Xung đột Nga – Ukraine đã ảnh hưởng đến nhiều kế hoạch sản xuất và phát hành phim của các hãng phim Hollywood, các công ty phát trực tuyến toàn cầu tại khu vực này.
Cuối tháng 2 vừa qua, Disney, Warner Bros. và Sony đều thông báo hoãn hoặc hủy toàn bộ kế hoạch phát hành phim tại Nga, do tình hình giữa Nga và Ukraine. Cụ thể, Warner Bros. dừng kế hoạch phát hành “The Batman”, Disney hủy công chiếu “Turning Red” của Pixar, còn Sony cho biết hãng sẽ không phát hành “Morbius” tại Nga như đã lên lịch trước đó. Vào tháng 3 này, hãng Paramount cũng có động thái dừng các kế hoạch ra mắt “Sonic the Hedgehog 2”, “The Lost City”. Universal cũng hủy lịch ra rạp của “The Bad Guys”, “Ambulance” (ảnh).
Xung đột đã tác động lớn đến nhiều mặt trong đời sống của người dân ở khu vực này. Trong đó, ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu, nhất là các hãng từ Hollywood gặp không ít khó khăn. Nhà sản xuất Nebojsa Taraba cho biết: “Hai tuần trước, tôi còn bàn thảo cùng với các đối tác Nga và Ukraine về kế hoạch sản xuất phần 2 của “The Silence”, nhưng xung đột nổ ra và mọi thứ phải tạm dừng”. “The Silence” là loạt phim về tội phạm xuyên biên giới, có sự hợp tác sản xuất của nhiều quốc gia: Croatia, Nga, Ukraine và Đức, được quay nhiều cảnh ở Ukraine. Phim được bán cho HBO châu Âu để chiếu trên toàn Trung và Đông Âu, rất thu hút người xem.
Xung đột này cũng đã ảnh hưởng nhiều đến các nhà làm phim, bởi đây được xem là khu vực “màu mỡ” cho các nhà sản xuất. Năm 2020, Ukraine có gói ưu đãi thuế từ 25-30% cho các loạt phim hoặc phim điện ảnh quay tại nước này. Chính vì thế, nhiều phim của Hollywood, Netflix đều chọn trường quay tại Ukraine. Cụ thể như: “Chernobyl”, “The Last Mercenary”… Joseph Chianese, Phó Giám đốc Entertainment Partners, một tập đoàn giải trí có trụ sở tại Los Angeles (Mỹ), nhìn nhận: “Ukraine được xem như một địa điểm hấp dẫn với gói ưu đãi thuế cạnh tranh, cơ sở hạ tầng chất lượng và phong cảnh mới lạ đầy sức hút. Ở một thành phố như Kyiv, với kiến trúc Nga và phương Tây lâu đời, bạn có thể dựng cảnh cả Moscow và Paris”.
Vấn đề nữa là giữa Ukraine và Nga có sự liên quan mật thiết trong ngành công nghiệp điện ảnh. Nhà sản xuất và phân phối người Đức Alexander van Dlmen cho biết: “Tỷ lệ người làm trong ngành phim ảnh và đa phương tiện tại Nga có gốc Ukraine là rất cao”. Dẫn chứng là Alexander Rodnyansky – người nhận 2 đề cử Oscar, hay Vlad Riashyn – nhà sáng lập Star Media, đơn vị sản xuất phim danh tiếng tại Nga, đều là người Ukraine. Cả hai đều có vai trò, đóng góp quan trọng trong ngành công nghiệp phim ảnh Nga trong hơn 2 thập kỷ qua.
Xung đột có thể kéo dài và sẽ gây ra nhiều hệ lụy, trong đó có ngành công nghiệp điện ảnh không chỉ của hai quốc gia mà còn ở cả khu vực và thế giới.
Theo Báo Cần Thơ