Sau drama của Hà Hồ bị đối xử không tốt khi mua đồ hiệu, chúng tôi đã có mặt không chỉ ở Dior mà còn 3 cửa hàng xa xỉ khác là Gucci, Chanel, Louis Vuitton để xem có nhân viên nào “lồi lõm” hay không.
Vào vai một người đàn ông mới chớm giàu nhờ trúng số, chưa am hiểu gì về thời trang cao cấp và cần đi tìm món đồ hiệu yêu thích tặng vợ để kỷ niệm ngày cưới, chúng tôi đã bước vào 4 store thời trang xa xỉ hàng đầu tại TP.HCM hiện nay; bao gồm: Chanel, Louis Vuitton, Gucci và tất nhiên là Dior để xem xem, rốt cuộc có anh quản lý hay nhân viên nào có thái độ “lồi lõm” như Hà Hồ đăng đàn trên story của cô hay không.
Bất ngờ với thái độ phục vụ của Dior sau drama với Hà Hồ, Chanel – Gucci – Louis Vuitton thì sao?
Từ story này của Hà Hồ, chúng tôi “truy tìm” xem có nhân viên nào của các thương hiệu xa xỉ tại TP.HCM có thái độ “lồi lõm” hay không
Các store đồ hiệu ở TP.HCM đa số đều “tập kết” ở 2 con đường Đồng Khởi và Nguyễn Huệ – những vị trí cực đắc địa
Có chút “chết trong tim” với Chanel
Đầu tiên là Chanel, thương hiệu này sở hữu vị trí cửa hàng ngay trên 2 mặt tiền của con đường Nguyễn Huệ, vị trí này so với các brand khác như LV hay Gucci hoàn toàn “đắt giá” hơn. Thời điểm bước vào cửa hàng là vào tầm 16:00, khách trong cửa hàng khá đông nên chúng tôi được yêu cầu phải đứng đợi đến khi có nhân viên rảnh thì mới vào được store. Vừa đặt chân vào trong, chúng tôi được 1 nhân viên khoảng 30 tuổi tiếp đón và hỏi tôi cần mua món gì.
Trải nghiệm mua sắm ở Chanel với nhân viên tư vấn này không hào hứng như chúng tôi kì vọng
Sau khi trình bày là cần tìm một món quà cho vợ, có thể túi xách thì tôi và bạn mình được đưa vào không gian trưng bày túi. Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì mà phía Chanel rất để ý đến chuyện “không được phép ghi hình” của khách và 2 lần kiểm tra điện thoại của khách hàng.
Về kiến thức chuyên môn thời trang, nhân viên có giải thích cặn kẽ về nguồn gốc – chất liệu tạo nên những chiếc túi trứ danh của Chanel. Tuy nhiên, ở vị trí một người mua chúng tôi không cảm nhận được sự “nhiệt tình” và mong muốn tư vấn giúp khách chọn được món đồ mình cần (điều này hoàn toàn trái ngược với Gucci hay Dior sẽ có ở phần sau).
Chúng tôi không đánh giá cao về sự tư vấn khi bán hàng của nhân viên ở store Chanel
Louis Vuitton đông khách cho nên cũng…
So với Chanel thì store của Louis Vuitton đông khách hơn, không gian mua sắm cũng thoải mái với 2 tầng lầu. Khu dưới dành cho nữ và khu trên dành cho các quý ông. Tôi và bạn mình loay hoay khoảng 10 phút nhưng vẫn không có nhân viên nào hỏi thăm hay tư vấn. Sau đó, chúng tôi chủ động hỏi nhân viên đang trực cửa thì nhận được câu trả lời là “nhân viên đang thiếu – mong khách hàng thông cảm”.
Nhân viên của LV thì tuỳ người, có người nhiệt tình – có người không. Tuy nhiên cũng nói “khéo” với khách nên xem trên website trước khi ghé store
Sau đó, chúng tôi bước lên tầng 2 – khu dành cho các quý ông của Louis Vuitton, trên này cũng thiếu hụt nhân viên. Sau đó, một cô gái có chủ động lại tư vấn cho tôi và bạn của mình. Cùng kịch bản với Chanel, chúng tôi tìm món quà cho “vợ ở nhà” và được chỉ lại xuống phía dưới. Trước khi xuống lại bên dưới, chúng tôi có thử một sản phẩm kính râm cho nam, nhân viên không tư vấn gì mà chỉ bấm điện thoại.
Hình ảnh chiếc túi chúng tôi xem tại LV, nhân viên rất cởi mở việc khách chụp hình sản phẩm
Tưởng chừng trải nghiệm tại Louis Vuitton sẽ không “khá hơn” Chanel nhưng bất ngờ là nữ nhân viên khu dưới tư vấn cho chúng tôi lại rất nhiệt tình. Cô giải thích cặn kẽ về chiếc túi chúng tôi xem, nhiệt tình cho xem những màu sắc khác nhau.
“Truy tìm” quản lý cửa hàng lồi lõm ở Dior nhưng sao không thấy ta?
Sau khi kết thúc hành trình ở Louis Vuitton, chúng tôi đi bộ sang Dior chỉ cách đó vài bước. Trái ngược với những bình luận của cư dân mạng bên dưới status trợ lý Hà Hồ là “nhân viên thái độ – kênh kiệu bla bla…”, chúng tôi thật sự đã được trải nghiệm dịch vụ bán hàng khá tốt từ cô nhân viên tư vấn. Người tư vấn nhiệt tình hỏi về mục đích mua sắm, thử đồ thoải mái và liên tục động viên khách hàng “anh cứ thử đi, không sao cả để em xem có size không”.
Nhân viên Dior khuyến khích khách thử đồ thoải mái
Người mua không thấy sự “soi mói” của nhân viên, cảm giác rất dễ chịu
Trong lúc mua hàng, chúng tôi có nhắc trực tiếp đến lùm xùm của Hà Hồ rằng: Ban đầu anh không định vào đây, nhưng thú thật là có chút tò mò chuyện lùm xùm trên mạng nên muốn vào thử xem sao. Chắc cô ca sĩ bữa không gặp được em tư vấn nhỉ? – Nhân viên chỉ cười trừ và “dạ” cho qua chuyện.
Nhân viên ở Dior nhiệt tình cho khách xem những sản phẩm đang có trong store và tư vấn cặn kẽ, việc chụp hình cũng được hoan nghênh
Sau đó, khách tiếp tục vào nên chúng tôi xem sang khu khác, lúc này nhân viên vẫn không “bỏ rơi khách” mà nhiệt tình nói: Anh chị cứ lựa thấy món nào cần thử thì gọi em ngay nhé. Nói tóm lại, chúng tôi không tìm được “quản lý” hay “nhân viên” nào của Dior TP.HCM có thái độ “lồi lõm” giống như Hà Hồ nói. Có thể sau phàn nàn của nữ ca sĩ, phía cửa hàng đã thay đổi chăng?
Bất ngờ vì nhân viên ở Gucci, khách hàng như là một người bạn!
4 store đồ hiệu chúng tôi ghé thăm, Gucci là “okela” nhất về mọi mặt. Ở đây khách và nhân viên không bị cảm giác xa cách ngay cả khi chúng tôi đang mặc những trang phục rất bình thường. Nhân viên tư vấn chủ động hỏi ngay về nhu cầu, tính cách và độ tuổi của người sẽ nhận được món hàng… Đây là thứ hoàn toàn khác biệt so với Chanel hay Louis Vuitton hay Dior.
Nhân viên Gucci tư vấn khá nhiệt tình
Bên cạnh đó, nhân viên cũng chủ động chọn món hàng và tư vấn sản phẩm phù hợp, khi được đề nghị lấy sản phẩm để xem thử cũng không tỏ thái độ gì. Khi thấy khách không chọn món hàng ưng ý thì cũng chủ động “đặt lại lịch hẹn”: Nếu sát ngày chưa mua được món nào ưng ý thì anh ghé lại bên em nhé. Có lẽ đây cũng chính là lý do mà store hàng hiệu này đông khách nhất trong cùng 1 khung giờ chúng tôi ghé qua chăng?
Nhân viên Gucci chủ động nhắc khách chụp hình thoải mái, chỉ là không nên “cấn ảnh” vào những vị khách khác, rất chú ý tới sự riêng tư của khách hàng
Tóm lại, nếu xếp theo thang điểm 10 thì nhân viên tư vấn của Gucci xứng đáng 10 điểm, Dior điểm 9, Louis Vuitton điểm 8 và ngậm ngùi dành cho Chanel điểm 7. Tất nhiên, những đánh giá này có tính chủ quan vì sau khi đi cả 4 store thì chúng tôi nhận ra thái độ nhân viên còn tuỳ vào cách bạn ăn mặc, bạn là khách quen hay khách lạ, có đồ hiệu trên người hay không…
Theo Sức Khỏe Đời Sống