Trong số tiếp theo của Kính Đa Chiều, khán giả tiếp tục được lắng nghe và bàn luận cùng host Minh Đức, khách mời – nghệ sĩ Bình Tinh và MC Lê Đình Minh Ngọc về chủ đề Hát cúng đình và Lễ Kỳ Yên Nam Bộ.
Lễ Tết ở Nam Bộ thường kết thúc bằng một lễ hội Kỳ Yên, tức lễ cầu an. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất của đình làng Nam bộ diễn ra vào tháng giêng để tỏ lòng tôn kính đến thần Hoàng làng. Với một nhà nghiên cứu văn hóa học, diễn giả Hồ Nhựt Quang chia sẻ lễ Kỳ Yên là nghi lễ gửi gắm ước mơ về sự thịnh vượng, bình an đến Thành Hoàng Bổn Cảnh. Đó là vị thần có công lớn trong việc giúp dân đi khai khẩn và dạy đạo cho dân. “Lễ Kỳ Yên có ngày giờ đặc thù và riêng biệt của ngôi đình làng đó. Tiêu chí của các hoạt động là không mang sự mê tín dị đoan nhưng phải mang cơ sở khoa học và tính kết nối với dân chúng”, vị diễn giả bày tỏ.
Bình Tinh ngoài là một nghệ sĩ cải lương và diễn viên thì còn được biết đến là nghệ sĩ chuyên hát chầu, hát cúng đình. Bình Tinh chia sẻ ngày xưa không có nhiều sân khấu lớn để biểu diễn như bây giờ. Để được biểu diễn trên sân khấu lớn phải là một quá trình chuẩn bị vô cùng quan trọng với nhiều khâu khác nhau, về kinh phí cũng như quy mô. Do đó, các nghệ sĩ ngày ấy thường biểu diễn ở các đình, các chùa, các miễu và phong tục ấy kéo dài cho tới ngày hôm nay.
Dưới góc nhìn của nghệ sĩ biểu diễn, Bình Tinh cung cấp đến host Minh Đức và khán giả rất nhiều thông tin về diễn biến của một buổi hát cúng đình với các bước trình tự. Tháng Giêng, tháng Hai, tháng Ba và tháng Mười, tháng Mười một là những thời điểm rộ mùa chầu. “Tất cả nghệ sĩ ngày đó được ví đắt như tôm tươi. Một người có thể chạy sô từ sáng đến tối”, Bình Tinh cho hay.
Điểm đặc biệt của hát cúng đình, hát chầu Nam bộ thường là các nghệ sĩ không có kịch bản, chỉ có lăng tuồng, tạm gọi là kịch bản đường dây. Do đó, nghệ sĩ hát chầu phải dựa trên nội dung chính để ứng biến và đặt văn ngay tại sân khấu để hát. Đồng thời, nghệ sĩ hát chầu còn phải sử dụng điệu bộ để ra dấu cho nhạc công đánh nhạc theo yêu cầu của nghệ sĩ.
Lý giải cho điều này, Bình Tinh cho biết vì mỗi suất diễn cúng đình ít nhất phải ba tiếng đồng hồ. Các nghệ sĩ không thể nào hát được hết tất cả những kịch bản và các nghệ sĩ cũng không thể hợp lại để cùng nhau tập nghiêm túc một vở tuồng. “Chúng tôi gặp ai là hợp thành tuồng hát chứ không biết trước, thường là hát “xê-bê” hay hát cương. Tức là mỗi nghệ sĩ đều có trong đầu một tủ kinh nghiệm gồm rất nhiều kịch bản tuồng được ông bà để lại nên cứ theo cái cương, cái lăng đó mà hát. Chúng tôi tự đặt văn chương ra để hát, tới đoạn nào biết sẽ diễn ra sự việc gì thì cứ thế đặt văn hát tiếp với nhau. Vì thế muốn nghệ sĩ hát một tiếng, ba tiếng hay chín tiếng đều sẽ hát được”, Bình Tinh bộc bạch.
Một trong những yếu tố khiến cho việc hát chầu hay hát cúng đình Nam bộ được khán giả yêu thích là bởi tính tương tác cao giữa nghệ sĩ và người xem. “Các ông bà cô bác coi xong giống như sống trong thời đó vậy. Tôi đóng vai Phi Giao nhưng đang diễn thì khán giả phải bật dậy hét lớn kêu tôi đừng diễn nữa, chịu không nổi vì quá ác. Họ nói vẫn yêu Bình Tình nhưng không thích Phi Giao, đề nghị tôi vào thay đồ nếu không sẽ ghét lây”, Bình Tinh kể lại.
Kính Đa Chiều là chương trình talkshow sở hữu format mới lạ và đầy hấp dẫn. Mỗi tập phát sóng của Kính Đa Chiều sẽ cùng bàn luận, đối thoại về một chủ đề hoặc một sự kiện đang được quan tâm xoay quanh những câu chuyện về văn hóa. Những câu chuyện với nhiều chủ đề nổi cộm trong nhiều lĩnh vực như nghệ thuật biểu diễn, hội họa, điêu khắc, văn học, điện ảnh, thể thao, ẩm thực và phong cách sống.
Các khách mời đến với chương trình đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, được khán giả mến mộ. Chương trình hứa hẹn mang đến cái nhìn đa chiều từ những cuộc đối thoại sâu sắc nhằm thảo luận và chia sẻ quan điểm dưới góc nhìn của người trong cuộc. Bên cạnh đó, chính khán giả cũng được tương tác với chương trình thông qua đường dây nóng.
Kính Đa Chiều được phát sóng vào lúc 20h từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần trên kênh VTV9. Chương trình do VTV9 phối hợp cùng Jet Studio thực hiện.
Nguyễn Đình Cường