Xuất hiện trong chương trình Kính Đa Chiều, soạn giả Tô Thiên Kiều khẳng định việc các nghệ sĩ trẻ sử dụng nhạc phẩm mà không có sự xin phép là thiếu tôn trọng tác giả.
Trong chương trình Kính Đa Chiều mới đây, soạn giả Tô Thiên Kiều có những chia sẻ về chuyện tác quyền cải lương trong bối cảnh hiện nay, từ đó mở ra nhiều vấn đề khó khăn mà các tác giả lẫn nhà sản xuất đang đối mặt.
Theo soạn giả Tô Thiên Kiều, luật tác quyền ngày trước không được quy định không rõ ràng như hiện tại, chỉ dừng lại ở mức đơn giản là những trao đổi cá nhân hay thỏa thuận giữa sản xuất và tác giả. Ngày nay để tái hiện những vở cải lương kinh điển, nhà sản xuất phải nhận được sự đồng ý của tác giả. Tuy nhiên theo thời gian, các tác giả lớn tuổi qua đời, người nhà không còn ai làm nghệ thuật nên rất khó để liên lạc xin phép tác quyền.
Song, soạn giả Tô Thiên Kiều cho rằng có nhiều cách để tìm thông tin liên lạc của tác giả nhằm xin phép tác quyền, quan trọng là thành ý của mỗi người. Nữ soạn giả lấy ví dụ người sản xuất có thể tìm đến các tổ chức như Hội sân khấu, Cục tác quyền hay Chi hội nghệ sĩ, Chi hội tác giả để nhờ giúp đỡ. Quá trình này có thể mất nhiều thời gian và làm tiến độ công việc bị chậm trễ. Đây là một trong những khó khăn khác về chuyện tác quyền cải lương ở thời điểm hiện tại.
Soạn giả Tô Thiên Kiều lấy ví dụ về trường hợp của soạn giả Hoa Phượng khi người thân của ông hiện nay không còn hoạt động nghệ thuật hoặc đã ở nước ngoài khiến việc xin tác quyền trở nên phức tạp và gặp nhiều khó khăn. Bởi các nhà sản xuất không thể liên lạc với gia đình của cố soạn giả.
Ngoài ra, vi phạm tác quyền cũng là một vấn đề nổi cộm hiện nay, khi có nhiều tình trạng sử dụng các tác phẩm tân cổ mà không có sự xin phép từ tác giả hoặc nhạc sĩ. Theo soạn giả Tô Thiên Kiều, nhiều nghệ sĩ trẻ ngày nay thường sử dụng các bài hát mà không hề liên lạc với tác giả để xin phép. Điều này không chỉ vi phạm về mặt tác quyền mà còn thể hiện sự thiếu tôn trọng tác giả. Soạn giả Tô Thiên Kiều nhấn mạnh, dù nghệ sĩ biểu diễn ca khúc trong một chương trình nhỏ, không ghi hình hay phát trực tiếp thì vẫn phải liên lạc xin phép tác giả. Và hầu như các nhạc sĩ đều sẽ đồng ý nhưng quan trọng hơn hết là lời xin phép thể hiện sự tôn trọng của nghệ sĩ đối với tác giả.
Để bảo vệ tác quyền, hiện soạn giả Tô Thiên Kiều đang làm việc với Cục tác quyền để tổ chức thay chị kiểm soát vấn đề này. Tuy nhiên, nữ soạn giả khẳng định không thể nào rà soát 100% mà chủ yếu phụ thuộc vào ý thức tôn trọng lẫn nhau trong nghệ thuật.
Một vấn đề đáng lo ngại khác là việc vi phạm tác quyền không chỉ gây thiệt thòi cho tác giả, mà còn tạo ra những hệ lụy pháp lý phức tạp. Vì cải lương là một bộ môn đặc thù, có thể kết hợp nhiều thể loại khác nhau như tân cổ. Do đó, khi nghệ sĩ muốn hát một bài tân cổ thì trước tiên cần phải liên lạc với nhạc sĩ để nhận được sự đồng ý rồi mới liên hệ với tác giả viết lời ca cổ. Từ đây dẫn đến khó khăn trong việc liên lạc với nhạc sĩ để xin phép. Tương tự như cải lương, các bài hát ca cổ đều là những nhạc phẩm xưa cũ nên rất khó để tìm được tác giả hoặc người sáng tác đã mất.
Một khó khăn khác về phía tác giả viết lời tân cổ là bị lệ thuộc vào sự cho phép của nhạc sĩ mới viết bài theo yêu cầu của bên đặt hàng. Sau đó, vấn đề đặt ra tiếp theo là ai sẽ là người chịu trách nhiệm về phần liên lạc xin phép với nhạc sĩ, là người đặt hàng hay người viết tân cổ để tránh những hệ lụy về sau.
Một trường hợp éo le mà Tô Thiên Kiều gặp phải là khi chị viết bài tân cổ cho một nghệ sĩ cách đây hơn 10 năm. Nhiều năm sau đó, nghệ sĩ này dùng bài hát tân cổ do soạn giả Tô Thiên Kiều viết lời để biểu diễn trong một chương trình khác mà không có sự xin phép nhạc sĩ, chỉ có sự đồng ý của Tô Thiên Kiều. Thậm chí, chương trình ấy còn ghi sai tên nhạc sĩ khiến soạn giả Tô Thiên Kiều bị kiện và lập biên bản.
Lý do nhạc sĩ ấy không kiện chương trình mà kiện Tô Thiên Kiều vì nữ soạn giả viết lời vọng cổ dựa trên ca khúc của họ khi chưa được sự đồng ý. Dù thời điểm Tô Thiên Kiều viết tân cổ cách đây đã lâu và khi đó luật tác quyền chưa được quy định chặt chẽ như bây giờ.
Clip Soạn giả Tô Thiên Kiều từng bị kiện “oan” vì tác quyền nhạc tân cổ:
Từ những kinh nghiệm cá nhân, soạn giả Tô Thiên Kiều nhắn nhủ với các nhà sản xuất, nghệ sĩ và các bạn trẻ đang theo đuổi nghề viết cải lương rằng: “Khi viết một bài tân cổ thì bản thân người đặt hàng hoặc chương trình phải làm việc với nhạc sĩ và chúng tôi chỉ chịu trách nhiệm về phần lời vọng cổ”.
Bởi theo soạn giả Tô Thiên Kiều, rất khó để tập hợp được một lực lượng tác giả cải lương trẻ có đam mê và năng lực. Nếu gặp những khó khăn về tác quyền thì sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các tác giả trẻ nói riêng và bộ môn nghệ thuật cải lương nói chung.
Kính Đa Chiều là chương trình talkshow sở hữu format mới lạ và đầy hấp dẫn. Mỗi tập phát sóng của Kính Đa Chiều sẽ cùng bàn luận, đối thoại về một chủ đề hoặc một sự kiện đang được quan tâm xoay quanh những câu chuyện về văn hóa. Các khách mời đến với chương trình đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, được khán giả mến mộ. Chương trình hứa hẹn mang đến cái nhìn đa chiều thông qua những cuộc đối thoại sâu sắc, thảo luận và chia sẻ quan điểm dưới góc nhìn của người trong cuộc.
Kính Đa Chiều chủ đề tiếp theo Chùa Khmer với sự tham gia của host Lê Hoàng và Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Trà Vinh – Thạch Bồi sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 1/12 trên kênh VTV9. Chương trình do VTV9 phối hợp cùng Jet Studio thực hiện.
Nguyễn Đình Cường