Theo chuyên gia, trong các phiên livestream tiền tỷ vẫn có tình trạng ‘buff’ đơn ảo, xuất hiện tình trạng phá giá, cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.
Hôm 5/6, chủ kênh TikTok Quyền Leo Daily tiếp tục phiên livestream lên đến 150 tỷ. Thời gian dự kiến từ 10-24h cùng ngày. Tuy nhiên, đến thời điểm 15h30 chiều nay (6/6), chủ kênh tiktok này vẫn đang miệt mài livestream bán hàng vì chưa đạt doanh thu như công bố trước đó.
Trong phiên live ngày hôm qua, mắt xem của kênh tiktok này luôn duy trì ở mức 40 ngàn lượt xem. Chỉ sau 1 tiếng đầu tiên live, Quyền Leo Daily thông báo đạt 11 tỷ doanh thu. Tuy nhiên, đến chiều nay, mắt xem của kênh tiktok này chỉ duy trì khoảng hơn 10 ngàn lượt xem cùng lúc. Trong hơn 24h vừa qua, Quyền Leo Daily vẫn livestream liên tục không ngừng nghỉ, khiến dân tình bất ngờ vì: “Ngủ dậy vẫn thấy đang livestream”.
Sau nhiều tiếng miệt mài livestream, cộng đồng netizen nhận thấy không khí phiên live lần này có phần không sôi động như trước. Cặp đôi cũng thay đổi việc đếm doanh thu chứ không cập nhật ngay trên màn hình live thay vì bắn pháo bông, hú hét ồn ào như trước. Nhiều người cùng đặt ra câu hỏi không biết hiện tại số doanh thu đã đạt được bao nhiêu và đến khi nào thì cặp đôi về số 150 tỷ đồng?.
Từ các phiên livestream tiền tỷ: Chuyên gia nói có bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh
Theo chuyên gia, trong các phiên livestream tiền tỷ vẫn có tình trạng “buff” đơn ảo và phá giá, cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường. Các chuyên gia cho rằng, từ những phiên live chục tỷ đến trăm tỷ trên nền tảng tiktok, chúng ta có thể thấy năm 2024, livestream và tiếp thị liên kết sẽ tiếp tục được bùng nổ trên nền tảng Tiktok Shop.
Chia sẻ riêng với Báo Công Thương về “ẩn số” đằng sau những phiên livestream trăm tỷ, ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc Công ty TikTok Việt Nam cho biết, trên TikTok Shop với sự hỗ trợ của công nghệ, đã có những phiên livestream có đến 350.000 người cùng xem vào một thời điểm. Trung bình những phiên livestream đó có khoảng 5-20 triệu người xem. Giả sử, một phiên livestream 10 triệu người xem mà chỉ 1% người mua thì đã có 100.000 đơn hàng. Do đó, doanh thu 100-200 tỷ đồng không phải là con số lớn. Trong các phiên live nhày, các nhãn hàng và nền tảng cũng có sự hỗ trợ về traffic, voucher, giá hàng hóa tốt hơn hẳn so với bình thường. Tỷ lệ hoàn thành đơn hàng cũng cao hơn.
Tuy nhiên, ông Phạm Sỹ Lợi, CEO WinEcom, chuyên gia đào tạo livestream cho rằng, để tạo một sân chơi công bằng hơn cho người bán và nhà sáng tạo nội dung thì cần có sự tham gia của các nhãn hàng và một khuôn khổ pháp lý phù hợp. Nếu các nhãn hàng chỉ đưa những chiết khấu khủng cho KOC nổi tiếng thì người tiêu dùng sẽ dồn cơ hội mua hàng vào những phiên livestream này vô hình chung tước đi cơ hội bán hàng của rất nhiều những KOC nhỏ. Nếu việc này cứ tiếp tục thì sẽ không còn khuyến khích được sự tham gia của nhiều ngươi bán do sự cạnh tranh về giá và giảm sức hút vào nền tảng.
“Với phiên livestream lớn, các nhãn hàng tặng khách hàng nhiều voucher lớn, điều này sẽ dẫn đến tình trạng phá giá trên thị trường. Và ảnh hưởng trực tiếp đến người kinh doanh, đại lý và các chủ cửa hàng nhỏ” – ông Phạm Sỹ Lợi chia sẻ và cho rằng, thực tế hiện nay nhiều người tiêu dùng mua hàng hóa bằng các voucher, mã khuyến mại giảm giá trên thương mại điện tử và không còn mặn mà với hình thức mua hàng trực tiếp tại các cửa hàng truyền thống.
Vẫn phải nhắc lại rằng, phía sau những phiên livestream chục tỷ, trăm tỷ này vẫn còn nhiều tranh cãi. Nó không chỉ ở chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, mà theo các chuyên gia, những con số này chỉ là bề nổi ekip muốn cho khán giả thấy, còn doanh thu và lợi nhuận thực sự chỉ những người trong cuộc mới biết được.
Theo Công Thương