Nhiều con đường tại TPHCM bị đặt sai tên, một số khác bị trùng lặp khiến người đi đường và du khách rất bối rối.
TPHCM là đô thị lớn nhất nhì cả nước, từng được ví là “Hòn ngọc viễn Đông”, song tại đây có nhiều tên đường viết sai, bên cạnh nhiều tuyến đường có tên trùng lặp.
Điển hình nhất là tên đường Sương Nguyệt Anh ở quận 1 TPHCM, nhiều năm bị đặt tên sai thành đường Sương Nguyệt Ánh.
Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh là con gái cụ đồ Chiểu, nhà báo, nhà thơ nữ nổi tiếng đầu thế kỷ và mới đây được Google tôn vinh. Hiện nay, con đường đã được trả lại đúng tên là Sương Nguyệt Anh, nhưng dọc con phố, các cửa hiệu vẫn giữ nguyên tên cũ là đường Sương Nguyệt Ánh.
Con đường đã được “trả lại tên” Sương Nguyệt Anh
Mặc dù tên đường đã được sửa, nhưng nhiều biển hiệu vẫn giữ địa chỉ cũ là Sương Nguyệt Ánh.
Tên đường thường đặt bằng tên danh nhân, nhằm tôn vinh các danh nhân và có ý nghĩa giáo dục cho thế hệ trẻ, nhưng một số tên đường đến nay vẫn sai tên các nhân vật lịch sử.
Tên đường tại quận 7 là RAYMONDIENNE song thực tế tên nân vật lịch sử này là Raymonde Dien, người suốt đời đấu tranh cho độc lập của Việt Nam. Bà từng lao vào ngăn chặn đoàn tàu chở hàng để phản đối Pháp chiến tranh ở Việt Nam.
Tên đường Phan Khiêm Ích được đặt ở khu vực đông người nước ngoài tại quận 7 song đáng tiếc không có nhân vật lịch sử nào tên như vậy. Thực tế, chỉ có danh nhân Phạm Khiêm Ích, người có tên trong 5 tấm bia tại Văn Miếu, Quốc Tử Giám (Hà Nội), người đã dâng sớ can gián triều đình làm việc sai và ông bị giáng chức. Theo Phạm Đình Hổ trong “Vũ trung tùy bút” thì các triều đại phong kiến nhiều lần “bể dâu” thay đổi, nhưng người dân vẫn luôn tôn thờ ông Phạm Kiêm Ích.
Tên gọi đường Lê Thánh Tôn khiến nhiều bạn trẻ và học sinh băn khoăn về nhân vật lịch sử
Đường Lê Thánh Tôn là một con đường lớn tại trung tâm TPHCM. Rất nhiều bạn trẻ băn khoăn việc nên gọi tên đường là Lê Thánh Tôn như hiện nay hay gọi Lê Thánh Tông, như cách chính sử vẫn gọi.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, việc gọi Tông thành Tôn xuất phát từ việc kỵ húy trong thời nhà Nguyễn, tránh gọi tên thật của vua Thiệu Trị (Miên Tông) nên gọi chệch thành Tôn. Nhà Nguyễn đã chấm dứt từ năm 1945, vậy có cần phải đọc “chệch” từ Lê Thánh Tông thành Lê Thánh Tôn như hiện nay, hay là đã đến lúc trả lại tên chính xác cho nhân vật lịch sử Lê Thánh Tông?
Tên đường Lê Đại Hành gây nhiều tranh luận
Đường Lê Đại Hành là một trục đường chính của TPHCM. Song tên đường gây nhiều tranh luận.
“Đại hành” chỉ là danh hiệu gọi tạm trong thời gian hoàng đế qua đời nhưng chưa đưa vào lăng tẩm nên chưa có miếu hiệu. Sử gia Lê Văn Hưu viết: “Thiên tử và hoàng hậu khi mới băng hà, chưa táng vào sơn lăng, thì gọi là Đại Hành Hoàng Đế, Đại Hành Hoàng Hậu”. Như vậy Lê Đại Hành không phải là tên gọi hay danh hiệu riêng cho Lê Hoàn. Nguyên nhân người ta thường gọi vua Lê Hoàn là vua Lê Đại Hành là do khi ông qua đời, các con tranh giành ngôi báu nên không suy tôn miếu hiệu cho cha.
Được biết, các cơ quan chức năng tại TPHCM đang xem xét lại việc điều chỉnh đúng tên các nhân vật lịch sử cho các tên đường, trong đó tên đường Lê Đại Hành được đề xuất đặt lại là đường Lê Hoàn.
Việc trùng tên đường rất phổ biến tại TPHCM. Nhiều quận cùng có đường Phan Văn Trị.
Bên cạnh việc sai tên đường, tại TPHCM còn có hàng trăm tên đường trùng lặp, một tên đường được đặt ở nhiều quận huyện gần nhau, khiến cho người đi đường, đặc biệt du khách hay nhầm lẫn.
Ngày 16/2/2023, phóng viên Tiền Phong đã có mặt tại phường 2, quận 5 và được người dân ở đây cho biết trong một địa bàn phường 2 mà có tới 2 con đường cùng tên là Phan Văn Trị.
Các con đường Phan Văn Trị này hoàn toàn độc lập với nhau, cách xa nhau gần 1 km.
Ngay cả người dân trên địa bàn phường 2, quận 5 cũng rất khó phân biệt được đường Phan Văn Trị nào chứ chưa nói đến người từ nơi khác tới. Cách phân biệt của người dân đó là “đường Phan Văn Trị này thì cắt với đường này, còn đường Phan Văn Trị kia thì cắt với đường kia”!.
Đường Phan Văn Trị “thứ nhất” giao cắt với đường Huỳnh Mẫn Đạt, cũng trong phường 2, quận 5.
Đường Phan Văn Trị “thứ hai” giao cắt với đường Nguyễn Biểu, cũng tại phường 2, quận 5, TPHCM. Đây là cách người dân trong phường 2 phân biệt hai con đường cùng tên.
Ước tính, TPHCM có khoảng 400 con đường cần phải đổi tên, cập nhật, chỉnh sửa để tiện cho việc sinh hoạt, kinh doanh, du lịch. Việc làm này chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới người dân, khi phải cập nhật địa chỉ mới, thay đổi các loại giấy tờ liên quan…