Miền Tây sông nước không chỉ quyến rũ với những vườn cây trái sum sê, tiếng đờn ca tài tử da diết và tình người nồng hậu. Vùng đất hào sảng ấy còn hấp dẫn với các món ngon dân dã mà đậm đà hương vị đồng quê, khiến ai thưởng thức một lần là nhớ mãi không quên.
1. Cốm dẹp trộn dừa
Nếu nghĩ rằng cốm Hà Nội là đặc sản trứ danh duy nhất, thì chắc chắn bạn chưa thử qua món cốm dẹp trộn dừa nức tiếng miền Tây sông nước. Món cốm dẹp trộn dừa ở đây được làm từ những hạt nếp non ngon nhất, được chế biến cầu kỳ, tỉ mỉ.
Sau khi chế biến xong cốm dẹp, người ta trộn cốm với những sợi cơm dừa tươi mềm ngọt, rắc một chút đường, muối cho đậm đà. Cốm dẻo, vị ngọt thơm, béo, bùi của dừa hòa quyện khiến tôi chẳng thể nào quên được hương vị của món ăn chơi này.
2. Cá he kho mía đậm đà khó quên
Những con cá he tươi ngon được sơ chế sạch, để nguyên vẩy, rồi ướp gia vị thơm lừng. Người ta sẽ xếp một lớp mía dưới đáy nồi, rồi mới xếp cá, lại một lớp mía ở bên trên. Sau đó, kho cá với lửa thật nhỏ cho cá chín mềm xương, nước sắc lại.
Cá he kho mía tỏa mùi hương thơm lừng. Từng miếng cá thấm đều vị ngọt tự nhiên của mía, vị béo ngậy của thịt cá đồng vô cùng bắt cơm. Thêm một dĩa rau đắng đất, rau thơm chấm với nước cá he kho mía, ta nói “ăn lủng đáy nồi” cũng chẳng sai.
3. Cỏ năng xào tép
Cứ mỗi khi mùa nước tràn bờ, miền Tây lại có món ăn chế biến từ “lộc trời”. Đó là cỏ năng. Dù chỉ là cây cỏ dại mọc ở những cánh đồng ngập nước, thế nhưng cỏ năng lại trở thành món ăn đặc sản trứ danh miền Tây.
Vị món này hơi ngai ngái nhưng ngọt hậu của đọt năng, béo ngậy của tép đồng. Tất cả hòa quyện thành hương vị đồng quê dân dã.
4. Bánh xèo
Bánh xèo miền Tây với chiếc vỏ mỏng giòn tan được xem là món ăn đặc sắc mang đậm cái hồn của quê hương. Từ nguyên liệu đến cách chế biến đều toát lên mùi sông nước thân thương, bình dị.
Ở Bến Tre, người ta có thể làm nhân bằng củ hũ dừa, nấm mối,
ở một số chỗ người ta còn dùng lõi của đầu trái dứa để chiên bánh. Tuy nhiên, quen thuộc và thường được sử dụng nhiều nhất là giá, củ sắn, đu đủ, tôm đất, thịt heo. Sự kết hợp tuyệt vời giữa vị ngọt của tôm, mùi thơm của rau sống và đậm đà của nước mắm pha chế đặc biệt khiến thực khách mê mẩn cứ thèm thuồng mãi không thôi.
5. Bún nước lèo Sóc Trăng
Bún nước lèo Sóc Trăng là sự kết hợp của nhiều nguyên liệu. Thế nhưng, linh hồn của nó lại ở nồi nước lèo được chế biến từ mắm bò hóc – một loại mắm đặc biệt của người Khmer. Nước lèo dậy mùi thơm của mắm đồng, sả tươi, ngải bún và có vị ngọt đậm đà.
Tô bún nước lèo Sóc Trăng hấp dẫn với con tôm hấp lột vỏ, cá lóc đồng, heo quay. Ăn kèm với chút rau bắp chuối bào mỏng và giá hẹ sống. Tất cả hòa quyện vào nhau, khiến bạn ăn một lần là ghiền.
6. Bánh cống
Bánh cống là đặc sản của người Khmer ở miền Tây Nam bộ, phổ biến tại Sóc Trăng. Bánh cống được làm từ bột gạo, đậu xanh, thịt heo và tôm. Bánh cống chiên có màu vàng hơi sậm, trên mặt bánh có tôm rất hấp dẫn. Khi chín, vỏ bánh giòn tan, tỏa mùi thơm nức.
Ăn bánh cống đúng điệu là phải ăn kèm với đọt xoài non, cải đắng, húng quế, chấm với nước mắm chua ngọt. Kẹp miếng rau xanh với miếng bánh béo bùi, chấm ngập vào chén nước mắm chua ngọt, cắn một miếng thôi đã thấy mê rồi.
7. Bánh pía sầu riêng
Bánh pía là loại bánh nướng có vỏ được làm từ nhiều lớp mỏng và dai. Nhân bánh thường được làm bằng đậu xanh xay nhuyễn, mỡ heo đun chảy, bột nếp và sầu riêng. Một số nơi có thêm trứng vịt muối. Nhờ có những thành phần này, nhân bánh pía có kết cấu mềm và mịn hơn so với bánh trung thu.
Ẩm thực miền Tây phong phú nhờ sự giao thoa văn hóa của các dân tộc Kinh, Chăm, Khmer và Hoa. Thế nên hương vị của những món ăn ở đây rất độc đáo.
Theo SaoStar