Quan tâm đến sức khỏe thể chất, tinh thần hơn, nhiều người Hàn Quốc dần thay thế những cuộc vui thâu đêm bằng các hoạt động tốt cho sức khỏe.
Đã qua lâu rồi cái thời người Hàn Quốc đi chơi khuya, lang thang từ noraebang (quán karaoke) đến quán bar. Giờ đây, lối sống lành mạnh về thể chất và tinh thần mới là xu hướng ở xứ củ sâm, khi việc tập gym, thể thao, duy trì ngoại hình và sức khỏe tinh thần tạo ra một từ mới: “godsaeng”, theo Korea Joongang Daily.
“Godsaeng” là từ ghép giữa “god” trong tiếng Anh và từ “saeng” trong tiếng Hàn (có nghĩa là “cuộc sống”), ám chỉ việc sống một cách siêng năng và lành mạnh.
Theo số liệu thống kê do Cơ quan Thuế Quốc gia Hàn Quốc công bố hôm 1/7, số người kinh doanh quán bar đã giảm 33%, từ 35.987 người vào năm 2018 xuống còn 23.965 người trong năm nay, trong khi số người kinh doanh noraebang giảm 18%, từ 31.833 xuống còn 26.250 người.
Trong khi đó, không ngạc nhiên khi các cửa hàng bán online ghi nhận mức tăng mạnh 218%, từ 195.073 vào năm 2018 lên 620.200 vào tháng 4 năm nay. Theo Cơ quan Thuế Quốc gia Hàn Quốc, kết quả này là nhờ sự tăng trưởng liên tục của các nền tảng bán hàng trực tuyến và nền kinh tế “không tiếp xúc”.
“Doanh thu của chúng tôi đã giảm 20% so với thời điểm trước đại dịch Covid-19. Kinh tế khó khăn và văn hóa ăn tối cùng công ty đã thay đổi, vì vậy mọi người đều trở về nhà sau 22h”, Lee Jae-in, kinh doanh trong ngành karaoke, cho biết.
Một con phố vắng vẻ ở quận Jongno, trung tâm Seoul. Ảnh: Yonhap.
Thay vì uống rượu và hát hò sau giờ làm việc, người Hàn Quốc đang dành nhiều thời gian và tiền bạc hơn cho việc hoàn thiện bản thân.
Cụ thể, người dân xứ kim chi đã chi nhiều hơn tới 815% cho môn tennis vào năm 2023 so với năm 2019. Pilates và phòng gym truyền thống cũng ghi nhận mức tăng lần lượt 47% và 37%, theo báo cáo do Trung tâm nghiên cứu big data của Shinhan Card công bố hồi tháng 6.
Xu hướng quan tâm đến sức khỏe thể chất và tinh thần hơn không chỉ phổ biến trong giới trẻ. Trong khi độ tăng trưởng ấn tượng của tennis và phòng gym phần lớn nhờ nhóm người ở độ tuổi 20 và 30, sự nổi lên của pilates lại chủ yếu nhờ vào những người độ tuổi 40, 50. Số người kinh doanh dịch vụ chơi golf trong nhà cũng ghi nhận mức tăng 93% so với năm 2018.
Phòng gym, pilates ở Hàn Quốc tăng trưởng mạnh. Ảnh: Areum Jung.
Theo Lim Kyung-eun, một quan chức cấp cao tại Statistics Korea, xã hội Hàn Quốc ngày càng già hóa trong những năm qua khiến nhiều người quan tâm hơn đến các hoạt động chăm sóc bản thân.
Các cơ sở kinh doanh về chăm sóc da cũng ghi nhận mức tăng 115% so với năm 2018, từ 30.130 lên 64.716. Nhưng vẻ đẹp không chỉ nằm ở bề ngoài, người Hàn Quốc còn đang đầu tư vào cả sức khỏe tinh thần.
Theo dữ liệu của Shinhan, việc tiếp cận dịch vụ tư vấn tâm lý có sự gia tăng ổn định kể từ năm 2019. Chi tiêu cho các phòng khám tâm thần cũng được ghi nhận ở tất cả nhóm tuổi, với mức tăng 128% đối với những người độ tuổi 20, 208% với những người độ tuổi 30, 172% và 158% lần lượt với người ở độ tuổi 40, 50.
“Việc quan tâm đến lối sống lành mạnh không còn chỉ giới hạn ở việc giảm cân và ăn kiêng nữa. Hiện nay, mọi người có khuynh hướng đánh giá sức khỏe một cách chi tiết để quản lý sức khỏe tốt hơn”, Trung tâm nghiên cứu big data của Shinhan Card cho biết.
Tỷ lệ kết hôn và tỷ lệ sinh vốn đã thấp trong những năm gần đây cũng tác động nhiều đến các doanh nghiệp liên quan.
Số lượng hội trường tiệc cưới đã giảm 30%, từ 1.019 vào năm 2018 xuống còn 714 vào năm nay, tiếp theo là giảm 35% ở các quán cà phê học bài, phản ánh sự sụt giảm về số lượng sinh viên trong nước.
Năm 2023, số lượng sinh viên Hàn Quốc chỉ còn 7,3 triệu, giảm 2 triệu so với mức 9,39 triệu vào năm 2013 và dự kiến giảm đáng kể trong một thập kỷ tới xuống còn 5,25 triệu. Theo Kim Moon-tae tại Viện Tài chính của Ngân hàng Hana, theo thời gian, điều này sẽ có “tác động tiêu cực” đến các doanh nghiệp.
Theo ZNews