Sở Du lịch TP. HCM vừa đề xuất UBND TP. HCM kịch bản hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong thời gian tới .
2 kịch bản hỗ trợ doanh nghiệp ngành du lịch TP. HCM.
Theo Sở Du lịch, có 21 công ty lữ hành và 436 hướng dẫn viên du lịch được hưởng chính sách giảm 50% phí, lệ phí so với trước dịch Covid-19; 453 cơ sở lưu trú du lịch được giảm 10% giá bán điện.
Ngoài ra, có 7/50 doanh nghiệp lữ hành và cơ sở lưu trú gặp khó khăn trong việc liên hệ với ngân hàng để được hỗ trợ giảm lãi suất cho vay theo Công văn số 434/HCM-TH-KSNB của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – chi nhánh TP. HCM.
Sở Du lịch thành phố cũng nêu ra một số khó khăn trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ của các doanh nghiệp lữ hành. Cụ thể, do không có tài sản thế chấp, các doanh nghiệp khó tiếp cận các gói vay của ngân hàng. Hầu hết người lao động, doanh nghiệp lữ hành, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa tiếp cận được gói hỗ trợ 62.000 tỷ của Chính phủ. Ngoài ra, tình hình áp dụng chính sách tại mỗi địa phương có những đặc thù riêng.
Trên cơ sở nắm bắt tình hình kinh doanh và lắng nghe ý kiến đề xuất của các doanh nghiệp lữ hành và cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn Thành phố, Sở Du lịch đề xuất 2 kịch bản hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới.
Kịch bản thứ 1, trường hợp dịch bệnh được khống chế trong tháng 9/2020, Sở đề xuất tiếp tục triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa trên cơ sở liên kết các doanh nghiệp lữ hành khách sạn, vận chuyển và các điểm tham quan để có những sản phẩm mới, hấp dẫn an toàn và cạnh tranh.
Bên cạnh đó là đẩy mạnh triển khai các nội dung liên kết hợp tác phát triển với các tỉnh thành trong cả nước; chú trọng các tour thu hút phân khúc khách khác nhau như doanh nhân, học sinh, sinh viên, công nhân.
Đi kèm là nghiên cứu thực hiện số hóa các điểm đến du lịch trên địa bàn thành phố bằng giao diện ảnh 360, 3D, công nghệ thực tế ảo để tăng cường ứng dụng công nghệ trong tuyên truyền quảng bá hình ảnh.
Đặc biệt, Sở đề xuất UBND thành phố kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành tham mưu chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch chậm nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế GTGT trong năm 2020 trong khoảng thời gian từ 6 đến 12 tháng; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế GTGT trong năm 2020; tiếp tục giảm tiền điện, nước, phí dịch vụ Internet…
Bên cạnh đó, TP kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có giải pháp để các ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp du lịch vay 50% tiền ký quỹ hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành và phải hoàn lại trong vòng 1 năm để có nguồn vốn tái khởi động, hoạt động kinh doanh. Việc này nhằm giúp các doanh nghiệp lữ hành tiếp tục duy trì hoạt động, hạn chế trường hợp rút giấy phép để lấy lại tiền ký quỹ và hoạt động kinh doanh lữ hành không phép.
Ở kịch bản thứ 2, trường hợp dịch bệnh kéo dài đến hết tháng 12/2020, bên cạnh các nhóm giải pháp trên, Sở Du lịch kiến nghị nên tập trung các nhóm giải pháp tái cơ cấu, đào tạo lại nguồn nhân lực trong ngành du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu, định hướng lại thị trường khách du lịch và xây dựng các sản phẩm mới chuẩn bị tái khởi động kinh doanh khi dịch bệnh được khống chế.
Theo vietnamfinace