Chỉ riêng trong ngày 20/6 đã xảy ra tới 2 vụ cháy xe khách trơ khung. Nhiều người thắc mắc, nguyên nhân vì đâu xe khách, đặc biệt là xe khách giường nằm dễ cháy đến vậy?
Một ngày 2 vụ cháy xe khách
Khoảng 19h30 ngày 20/6, trên đường Vành đai 3, đoạn gần Công viên Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội), xảy ra vụ cháy ô tô khách loại 45 chỗ. Thời điểm xảy ra hỏa hoạn trên xe không có hành khách. Tài xế sau khi phát hiện lửa bốc cháy đã nhanh chóng rời khỏi xe nên đảm bảo an toàn. Sự việc ngay lập tức được trình báo lên cơ quan chức năng.
Hiện trường vụ xe khách 45 chỗ bốc cháy trên đường Vành đai 3 tối 20/6
Nhận tin báo, đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an quận Hoàng Mai huy động 2 xe chữa cháy cùng cán bộ chiến sĩ đến hiện trường dập lửa.
Ngọn lửa nhanh chóng bao trùm toàn bộ chiếc xe. Sự việc khiến nhiều người chứng kiến hoảng hốt, bên cạnh đó, giao thông cũng rơi vào tình trạng ách tắc, ùn ứ.
Một vụ cháy tương tự xảy ra với chiếc xe khách giường nằm trên quốc lộ 1A đoạn qua TP Thanh Hóa sáng 20/6
Trước đó, cùng ngày, vụ việc tương tự cũng xảy ra với chiếc xe khách giường nằm loại 45 chỗ mang BKS 37B – 023.40 của nhà xe Ngọc Dũng lưu thông hướng Bắc – Nam. Cụ thể, khi lưu thông trên quốc lộ 1A, tới giữa cầu Nguyệt Viên (TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), tài xế phát hiện khói bốc lên từ khu vực đầu xe. Do trời nắng nóng, vật dụng trên xe dễ cháy nên ngọn lửa bùng phát mạnh. Sau gần 20 phút, đám cháy đã được khống chế, song ôtô bị thiêu rụi trơ khung.
Nguyên nhân do đâu?
Những vụ cháy xe khách kể trên hiện vẫn đang được điều tra làm rõ nguyên nhân. Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy xe phổ biến hiện nay mà nhiều tài xế nên nắm rõ để phòng tránh. Lắp thêm các thiết bị điện ngoài thiết kế cho xe là một trong những nguyên nhân chính gây ra cháy xe. Theo thiết kế, các thiết bị này nằm ngoài sự kiểm soát của xe, dẫn đến quá tải cho hệ thống điện khi sử dụng dễ gây cháy nổ. Còn có thể do sử dụng dây điện kém chất lượng hoặc các mối nối “bất cẩn” cũng dẫn đến nguy cơ chập cháy cao.
Nguyên nhân gây cháy xe thứ 2 là do yếu tố con người. Nhiều người có thói quen “lười” bảo dưỡng xe hoặc không để ý đèn cảnh báo, “tiếc” một số tiền nhỏ để rồi lãnh hậu quả to lớn, khiến “xế cưng” tiềm tàng nguy cơ cháy nổ. Các chi tiết phụ tùng hư hại, gỉ sét,… không được khắc phục và bảo dưỡng kịp thời sẽ làm giảm khả năng vận hành của xe, thậm chí biến chiếc xe trở thành “miếng mồi béo bở” cho “bà hỏa”.
Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng, nguyên nhân gây cháy nổ trên các dòng xe khách, đặc biệt xe giường nằm đó chính là sự có mặt của nhiều vật liệu dễ cháy trên xe như xốp cách nhiệt, đệm mút, chăn, gối. Khác với xe khách ghế ngồi thường có thiết kế thoáng rộng, xe khách giường nằm có hệ thống giường đệm san sát nên khả năng cháy lan rất cao. Do thiết kế đặc thù, hầu hết các xe giường nằm chỉ có 1 cửa lên xuống khiến cho việc thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn thêm khó khăn.
Nội thất 1 chiếc xe giường nằm với nhiều vật liệu dễ cháy
Điều đáng nói là khi xe khách giường nằm xảy ra cháy nổ thì thiệt hại về người và tài sản là rất lớn. Bởi các loại xe này hầu như chỉ có một lối lên xuống duy nhất mà không có lối thoát hiểm cho hành khách trong trường hợp khẩn cấp. Nguy hiểm hơn nữa là thay vì có khoảng trống rộng rãi để có thể xoay sở dập lửa hoặc tìm cách thoát thân thì xe khách giường nằm san sát nào là bông, đệm, xốp cách nhiệt… là những vật liệu dễ bắt lửa nên mỗi khi xảy ra cháy thì hầu như là vô phương cứu chữa. Không có nhiều lựa chọn thoát hiểm, xung quanh là các vật liệu dễ bắt lửa thì việc con số người chết và bị thương cao không có gì ngạc nhiên cả.
Theo lời khuyên của các chuyên gia về ô tô, việc va chạm giao thông thì có thể ngoài tầm kiểm soát (bởi có thể do mình nhưng cũng có thể do tài xế khác), song để đảm bảo tính mạng và tài sản của hành khách thì các loại phương tiện cần thường xuyên được bảo trì, bảo dưỡng để kịp thời phát hiện, khắc phục lỗi kỹ thuật có thể có của nhà sản xuất, hoặc phát sinh trong quá trình vận hành.
Theo giadinhvietnam