Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Chào hỏi nơi công sở, Phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ, Chi tiêu hợp lý cho sức khỏe.
Chào hỏi nơi công sở
Lời chào trở thành nét đẹp văn hóa trong giao tiếp của người Việt Nam, trong môi trường công sở, lời chào khi chúng ta bước vào nơi làm việc không chỉ là một hành động lịch sự mà còn tạo ra một không khí thoải mái hòa nhã trong môi trường làm việc. Đặc biệt lời chào còn giúp người khác có cái nhìn thiện cảm hơn.
Anh Đào Nguyễn Duy Hưng (Công ty Adsplus, TP.HCM), cho biết: “Theo tôi, việc chào hỏi trong môi trường công sở không chỉ tạo ra sự gắn kết và gần gũi giữa các thành viên, mà còn thúc đẩy tinh thần đồng đội và động viên nhau để đạt được mục tiêu công việc đã đề ra”.
Có thể vì tính cách hướng nội ít nói, áp lực công việc hoặc ngại giao tiếp, nhiều người quên đi việc chào hỏi. Điều này có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ và giao tiếp trong công việc, dẫn đến sự cô đơn và hiểu lầm không cần thiết giữa bạn bè và đồng nghiệp.
Chị Võ Thị Thảo Vi (Giám đốc công ty Adsplus, TP.HCM), cho biết: “Việc hạn chế giao tiếp và thiếu sự cởi mở trong môi trường doanh nghiệp có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cả công việc cá nhân và công việc nhóm. Điều này có thể dẫn đến hiểu lầm, việc không hoàn thành deadline đúng hạn và hạn chế trong việc phối hợp làm việc. Ngoài ra, sự hiểu lầm và mâu thuẫn cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần làm việc và sự sáng tạo, từ đó giảm năng suất lao động và khả năng đổi mới trong công việc”.
ThS Trần Hương Thảo, chuyên gia tâm lý, cho biết: “Việc lựa chọn từ ngữ phù hợp và thể hiện thái độ tích cực thông qua cử chỉ, nụ cười hay lễ phép có thể tạo ra sự kết nối và thiện cảm từ người khác. Không nên ngần ngại trong việc chào hỏi vì có nhiều cách khác nhau để thể hiện sự quan tâm và tạo ra mối liên kết. Nếu gặp phải phản hồi không lịch sự hoặc thiếu chuẩn mực, mình có thể góp ý một cách tôn trọng và đối phương thường sẽ tự nhận ra và điều chỉnh hành vi của mình một cách tự nhiên”.
Việc chào hỏi là một phần của văn hóa ứng xử, cần được nuôi dưỡng từ nhỏ thông qua việc gia đình và nhà trường dạy dỗ. Kỹ năng này không chỉ giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội, mà còn giúp họ kết bạn và tương tác với thế giới xung quanh. Khi đi làm, chúng ta cần hiểu rõ giá trị và tầm quan trọng của việc chào hỏi để thể hiện ứng xử đúng mực và góp phần vào sự phát triển chung ở nơi làm việc cũng như thành công cá nhân.
Phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ
Giao tiếp là một kỹ năng quan trọng ảnh hưởng đến cuộc sống và thành công sau này của trẻ, nhưng để phát triển kỹ năng này, cần rèn luyện thông qua phương pháp phù hợp. Đặc biệt là trẻ ở độ tuổi mầm non, việc kết nối với thế giới xung quanh thông qua giao tiếp có thể được thúc đẩy thông qua các phương pháp giáo dục phù hợp và môi trường xã hội tích cực.
Là phụ huynh của một bé 3 tuổi, chị Lê Khánh Huyền đặc biệt quan tâm đến việc con hòa nhập tại trường mẫu giáo. Chị đồng hành cùng con đến lớp, chia sẻ niềm vui và cùng học hỏi cùng con. Chị hiểu rằng đây là giai đoạn quan trọng để giáo dục con về các kỹ năng giao tiếp.
Chị Lê Khánh Huyền (Quận Hà Đông, TP. Hà Nội), cho biết: “Khi con bước vào môi trường học, tôi quan tâm nhất là sự hòa nhập của con. Điều này đề cập đến mức độ, con hòa nhập với bạn bè, và quan trọng hơn cách mà các cô giáo giúp con hòa nhập”.
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Nga, chuyên gia tâm lý, cho biết: “Trong giao tiếp có hai loại là ngôn ngữ có thể nhìn thấy và ngôn ngữ không thể nhìn thấy. Trong ngôn ngữ nhìn thấy, chúng ta sử dụng từ vựng thông qua giao tiếp hàng ngày. Trong ngôn ngữ không thể nhìn thấy, chúng ta truyền đạt thông qua thái độ, hành vi, ánh mắt và năng lượng sau mỗi lời nói hay hành động. Đây là những mô hình ngôn ngữ mà trẻ em học và bắt chước từ người lớn”.
Để dạy kỹ năng giao tiếp cho trẻ, cha mẹ cần đóng vai trò mẫu mực mà con có thể lấy làm gương khi giao tiếp. Cha mẹ cần chú ý đến cách diễn đạt và nên nói câu hoàn chỉnh. Qua việc giao tiếp hàng ngày với con, trẻ sẽ học hỏi được cách diễn đạt từ cha mẹ. Đồng thời, để trẻ biết dùng kính ngữ, biết diễn đạt một cách lịch sự khi giao tiếp, cha mẹ phải là người thường xuyên nói chuyện một cách lịch sự và nhã nhặn. Điều này sẽ giúp trẻ học theo một cách tự nhiên và dễ dàng hơn.
Chi tiêu hợp lý cho sức khỏe
Hiện nay, không ít người chưa quan tâm nhiều đến các khoản chi cho y tế và dinh dưỡng, thay vào đó họ lại tăng chi tiêu cho sở thích cá nhân mà bỏ qua vấn đề sức khỏe. Ngược lại, một số người có xu hướng chi mạnh tay vào các sản phẩm và dịch vụ đầu tư cho sức khỏe.
Anh Nguyễn Xuân Định (TP.HCM) cho biết: “Tôi ưu tiên tập thể dục, sau đó là mua bảo hiểm, và trong việc ăn uống, tôi sẽ ưu tiên những chất dinh dưỡng, hạn chế chất béo và không thích ăn đồ chế biến sẵn”.
Những sai lầm khi chi tiêu bất hợp lý, có thể dẫn đến nhiều rủi ro cho sức khỏe, lâu ngày có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh lý. Việc không cân đối các khoản đầu tư cho sức khỏe có thể dẫn đến chi phí thăm khám bác sĩ hay điều trị bệnh lý sau này trở nên áp lực lớn. Do đó, cần cân nhắc những khoản chi tiêu phù hợp và cần thiết cho sức khỏe.
Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế, cho biết: “Khi chúng ta cảm thấy sức khỏe bắt đầu có dấu hiệu giảm sút, thường là vào độ tuổi 30 đến 40, chúng ta nên ưu tiên thời gian và tài chính cho các hoạt động tập thể dục, vui chơi lành mạnh, tránh xung đột và giảm stress. Chúng ta cũng cần bảo hiểm y tế đầy đủ và chuẩn bị một khoản ngân sách để phòng khi có những rủi ro bệnh tật xảy ra. Phương châm cơ bản nhất của quản lý chi tiêu cho sức khỏe là phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Chi tiêu cho sức khỏe chính là làm sao để có được giá trị dinh dưỡng phù hợp trong các bữa ăn hàng ngày. Điều này sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh và gia tăng chất lượng cuộc sống. Đồng thời, cần xây dựng thời gian sinh hoạt hợp lý và khoa học, tạo thói quen cho chính bản thân và gia đình thông qua việc khám sức khỏe định kỳ, giúp sớm phát hiện các bệnh và có thời gian, phương pháp điều trị tốt.
Đầu tư cho sức khỏe là khoản đầu tư quan trọng và cần thiết. Nếu chi tiêu cân đối và hợp lý, sẽ mang đến cho chúng ta một cuộc sống chất lượng. Chỉ khi có sức khỏe tốt, mỗi người mới có thể tận hưởng trọn vẹn những khoảnh khắc bên gia đình, người thân, có thêm cơ hội tích lũy cho bản thân những trải nghiệm mới và hoàn thành tốt các công việc khác.
Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộcđối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,… Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồngthời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.
Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.
Nguyễn Đình Cường