Làm, sử dụng hoặc mua bán CCCD giả là hành vi vi phạm pháp luật.
Thời gian qua, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều thông tin về việc nhận làm CCCD giả. Chỉ cần gõ cụm từ “làm CCCD”, “làm giả CCCD” sẽ xuất hiện tràn lan các fanpage, hội nhóm đăng bài quảng cáo nhận làm giả CCCD gắn chip, cam kết “y như thật” với mức giá chỉ 1,5-2,5 triệu đồng. Điều đáng nói, các fanpage hay hội nhóm này đã thu hút hàng chục ngàn thành viên tham gia.
Việc làm giả CCCD sẽ ảnh hưởng cũng như gây nhiều hệ lụy về mặt pháp lý mà người làm giả cũng như người mua CCCD giả phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
CCCD giả bao chuẩn 100%
Theo ghi nhận của PV, tại các hội nhóm, trang mạng làm giả CCCD trên Facebook, mỗi ngày có đến hàng chục bài đăng nhận làm giả CCCD và một số loại giấy tờ khác từ nhiều tài khoản khác nhau.
Một tài khoản mạng xã hội có tên ML đã đăng tải bài quảng cáo trên nhiều hội nhóm và cả tài khoản của mình với cam kết “nhận làm giả CCCD phôi chuẩn, chìm nổi mộc, chuẩn 100%, bao soi rọi, quét QR, nhận hàng 1-2 ngày…”.
Các hội nhóm trên mạng xã hội đăng nhiều bài viết quảng cáo cam kết làm CCCD giả “như thật”. Ảnh chụp màn hình
Với vai là người cần mua CCCD, PV đã nhắn tin trao đổi riêng với tài khoản ML, người này cho biết mức giá làm CCCD giả là 2,5 triệu đồng và chỉ cần cung cấp đầy đủ thông tin như số CCCD, số CMND, họ tên, năm sinh, quê quán, thường trú, đặc điểm nhận dạng, ngày đăng ký và hai ảnh chân dung 3×4…
“Thông tin cá nhân thì khách tự cung cấp tùy ý. Sau khi làm ra bản demo thì cọc trước 100k, khách kiểm tra lại đúng thông tin rồi sẽ in ra. In xong thành phẩm thì sẽ gửi hình ảnh, video sản phẩm CCCD đã làm xong cho khách kiểm tra, đồng thời khách phải chuyển thêm một số tiền nữa để gửi xe ôm chuyển đến. Cuối cùng chuyển khoản số tiền còn lại” – tài khoản ML nói.
Thực hiện theo đúng quy trình mà tài khoản này giới thiệu, PV nhận được một bản demo CCCD giả gửi qua tin nhắn, giống như thông tin đã cung cấp. Sau đó, PV viện cớ tài khoản chưa nạp tiền nên chỉ xin chuyển cọc trước 50.000 đồng. Tài khoản ML đồng ý và gửi thông tin số tài khoản, yêu cầu PV chuyển tiền cọc. Đồng thời, tài khoản này cũng nhắc nhở phải chuyển đủ số tiền 2.450.000 đồng khi nhận được “hàng”. Vài giờ sau đó, tài khoản ML gửi lại một video quay lại CCCD giả đã hoàn thành và cho biết sẽ chuyển đến cho PV trong ngày mai.
Tương tự, một tài khoản khác có tên TB cũng nhận làm giả CCCD với cam kết “phôi màu chuẩn, mã QR chuẩn mẫu Nhà nước cung cấp, chip đồng thật, ra hàng quay video, ra hàng trong ngày…”.
Tài khoản TB còn chủ động nhắn tin giới thiệu hiện có hai mức giá làm CCCD, loại CCCD gắn chip scan với giá 1,5 triệu đồng, còn loại “xịn” chip bằng vật liệu đồng có giá 2,2 triệu đồng. Sau khi giới thiệu, tài khoản TB còn gửi thêm một số video quay lại CCCD giả đã làm trước đó để khách hàng lựa chọn làm loại nào.
“Tiền nào của đó, làm loại nào có giá của loại đó. Chỉ cần cung cấp đầy đủ thông tin, không cần phải đặt cọc tiền trước. Sau khi nhận được “hàng” thì kiểm tra và thanh toán một lần” – tài khoản TB cho biết.
CCCD giả không thể qua mắt cơ quan chức năng
Trước đó, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra cảnh báo người dân không tham gia các hội nhóm làm CCCD giả trên mạng xã hội và sử dụng, mua bán CCCD giả để không bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc có hành vi vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, CCCD gắn chip được Bộ Công an sản xuất theo quy trình hoàn toàn tự động khép kín, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối thông tin công dân.
Các nội dung, chi tiết, ký tự, hình mẫu và chip gắn trên CCCD tuân thủ tuyệt đối quy định của pháp luật, có đặc trưng, đặc thù riêng nên không thể làm giả dù thủ đoạn công nghệ có tinh vi đến đâu.
Cơ quan công an cũng cảnh báo việc sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng CCCD giả là hành vi vi phạm pháp luật và chắc chắn sẽ sớm bị phát hiện, xử lý nghiêm.
Bên cạnh đó, khi sử dụng CCCD gắn chip giả trong giao dịch hành chính, dân sự thì các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền sẽ kiểm tra CCCD bằng thiết bị đọc quét chuyên dụng. Từ đó sẽ phát hiện ngay CCCD giả, tiến hành thu hồi và phối hợp với cơ quan công an xử lý.
Do đó, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đề nghị người dân tuyệt đối không tham gia các hội nhóm và thực hiện hành vi vi phạm như mua bán, sử dụng CCCD giả. Báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất khi phát hiện tổ chức, cá nhân có biểu hiện, dấu hiệu của việc làm, sử dụng CCCD giả hoặc mua bán CCCD.
Mới đây, ngày 13-10, Cơ quan CSĐT Công an quận Phú Nhuận (TP.HCM) cho biết đã tạm giữ một số đối tượng để điều tra mở rộng về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Trong quá trình đấu tranh khai thác, các đối tượng thừa nhận hành vi làm CCCD giả để mở tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo.
Qua vụ việc, cơ quan công an cũng cảnh báo việc sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng CCCD giả là hành vi vi phạm pháp luật và chắc chắn sẽ sớm bị phát hiện, xử lý nghiêm.
Bởi lẽ CCCD gắn chip giả không thể sử dụng được, vì khi đi giao dịch tại các cơ quan, đơn vị, ngân hàng… sẽ nhanh chóng bị phát hiện bằng các thiết bị kiểm tra. Hoặc bị phát hiện qua đối chiếu dữ liệu, nhận dạng người sử dụng với dữ liệu, hình ảnh lưu trong cơ sở dữ liệu. Khi bị phát hiện sẽ lập tức bị bắt giữ và phải chịu hình phạt rất nghiêm khắc của pháp luật.•
Làm giả CCCD có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo quy định tại điểm a, b khoản 4 Điều 10 Nghị định 144/2021, hành vi làm giả CCCD hoặc hành vi sử dụng CCCD giả nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền 4-6 triệu đồng.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi trên. Đồng thời, người vi phạm còn bị chế tài biện pháp khắc phục hậu quả, buộc phải nộp lại CCCD giả đã sử dụng và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ việc làm, bán các loại giấy tờ giả (theo khoản 5, khoản 6 Điều 10 Nghị định 144/2021).
Mặt khác, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì người làm giả CCCD, sử dụng CCCD giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu hoặc tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017). Mức xử phạt cao nhất lên đến bảy năm tù và người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 5-50 triệu đồng.
Luật sư HOÀNG ANH SƠN, Đoàn Luật sư TP.HCM
Theo Pháp Luật