Hiện nay, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an đang phối hợp với một số ngân hàng triển khai thí điểm dịch vụ rút tiền tại máy ATM bằng căn cước công dân gắn chip.
Ngân hàng BIDV triển khai việc ứng dụng CCCD gắn chip trên giao dịch
Đại diện C06 nhấn mạnh từ nay, chỉ cần có căn cước công dân gắn chip, người dân có thể rút tiền mặt tại máy ATM của ngân hàng. Như vậy, để rút tiền mặt tại máy ATM, người dân có thêm một hình thức nữa mà không cần tới thẻ ngân hàng hay dùng mã QR trên ứng dụng ngân hàng số.
Đặc biệt, việc sử dụng căn cước công dân gắn chip khi rút tiền mặt tại ATM còn giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ giả mạo thẻ, đảm bảo an toàn trong các giao dịch tài chính.
Vì sau khi khách hàng quét thẻ căn cước công dân tại ATM, hệ thống ngay lập tức kiểm tra và đối chiếu thông tin trên căn cước công dân gắn chip, thay vì như trước đây, chỉ sử dụng duy nhất mật khẩu để xác nhận thông tin.
Sau đó, việc xác nhận thông tin chính chủ sẽ được đối chiếu với dữ liệu sinh trắc học của khách hàng bằng hình thức quét khuôn mặt và vân tay. Điều này sẽ hạn chế tối đa những nguy cơ giả mạo thẻ có thể xảy ra.
Cũng theo C06, việc triển khai ứng dụng căn cước công dân gắn chip thay thế thẻ ngân hàng đang được thực hiện thí điểm với một số ngân hàng lớn và một số điểm trên địa bàn Hà Nội, Quảng Ninh.
Việc rút tiền bằng thẻ căn cước công dân gắn chip chỉ mới được thí điểm áp dụng tại một số ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank, Viettinbank…
Dự kiến, trong thời gian tới, việc rút tiền từ căn cước công dân tại ATM sẽ được triển khai mở rộng trên toàn hệ thống.
Cách rút tiền bằng căn cước công dân gắn chip tại các máy ATM
Bước 1: Người dân đưa thẻ căn cước công dân gắn chip vào đầu đọc thẻ của cây ATM bằng cách quay mặt sau (nơi có gắn chip) và để con chip vào đầu đọc thẻ của cây ATM.
Đồng thời, hướng mặt về phía camera của ATM để tự động nhận diện khuôn mặt.
Bước 2: Hệ thống sẽ tự động kiểm tra và đối chiếu thông tin trên căn cước công dân gắn chip và thông tin đã được lưu trữ tại hệ thống ngân hàng mà người dân không cần phải nhập mật khẩu.
Bước 3: Thay vì sử dụng mật khẩu là phương thức xác nhận thông tin duy nhất như hiện nay, với việc sử dụng căn cước công dân gắn chip, cây ATM sẽ quét sinh trắc học của khách hàng và màn hình giao diện sẽ hiển thị các các xác thực như xác thực gương mặt, vân tay… để nhận diện.
Bước 4: Sau khi xác nhận đúng là chủ thẻ, cây ATM sẽ “nhả” tiền, người dân sẽ rút được tiền.
Có an toàn không?
TS Nguyễn Thúy Anh, chuyên gia tài chính đánh giá, thẻ căn cước công dân gắn chip sẽ tích hợp rất nhiều công dụng, rất tiện ích, sẽ thay thế rất nhiều loại thẻ nên tiến tới người dân sẽ không còn phải mang rất nhiều thẻ trong ví nữa mà chỉ cần thẻ căn cước công dân gắn chip là đủ.
Về việc người dân lo lắng sẽ bị lộ thông tin, TS Nguyễn Thúy Anh cho rằng bảo mật thông tin là cực kỳ quan trọng với bất kỳ loại thẻ nào, kể cả ATM hay căn cước công dân. Với hình thức rút tiền còn mới mẻ này, người dân lo lắng là có cơ sở.
Tuy nhiên, theo bà thì thẻ căn cước công dân được Bộ Công an làm rất chặt chẽ, với những công cụ bảo mật, sử dụng công nghệ xác thực khách hàng thông qua dữ liệu sinh trắc học như xác thực gương mặt, vân tay… kết nối trực tiếp với dữ liệu công dân quốc gia. Do đó, khó có thể làm giả hay lọt lộ thông tin, nên cũng không đáng ngại lắm.
Theo Phụ Nữ Việt Nam