Trong những ngày giãn cách xã hội , nhiều nhà hàng, quán ăn ở Hà Nội đã sử dụng mặt bằng sẵn có chuyển đổi sang kinh doanh, bán thực phẩm thiết yếu như rau củ, hoa quả, thịt các loại.
Từ khi Thủ đô Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, các nhà hàng, quán bia hơi, quán cà phê… đã chấp hành lệnh đóng cửa để phòng dịch theo Chỉ thị của thành phố ban hành. Một số cơ sở đã sử dụng mặt bằng cửa hàng sẵn có chuyển sang bán các thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân và cũng là để trang trải tiền thuê mặt bằng.
Theo ghi nhận của phóng viên, sáng 4/8, tại quán cà phê trên đường Trần Quý Kiên ( Cầu Giấy ), chủ cửa hàng là anh Cường (42 tuổi) đang miệt mài thái thịt để mang đi ship cho khách hàng.
“Từ khi phải đóng cửa quán cà phê vì dịch bệnh, vợ chồng tôi đã phải bán thịt lợn để có tiền sinh hoạt, thêm được đồng nào hay đồng nấy. Chứ tiền nhà cao lắm khoảng 14 triệu đồng/tháng, sắp không chịu nổi nữa rồi mới phải tính đến bán thịt trong quán như thế này. Xin giảm tiền thuê nhà thì chủ nhà chưa đồng ý. Thực sự mệt mỏi, mong dịch bệnh sớm qua nhanh”, anh Cường chia sẻ.
Tại quán bia hơi trên đường Trần Quý Kiên, chủ quán cũng đang bán các mặt hàng rau, củ, quả, trứng… để có chi phí sinh hoạt.
Tại cửa hàng bán bún, phở trên đường Nghĩa Tân, sau khi TP Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16, không được phép bán mang về thì cửa hàng này đã chuyển sang bán hoa quả.
Quán bún miến trên đường Tô Hiệu (Cầu Giấy) cũng đã chuyển thành tiệm bánh mỳ, bánh ngọt.
Cũng theo ghi nhận, một số nhà hàng trên đường Nguyên Hồng (Đống Đa, Hà Nội) đã chuyển thành cửa hàng bán thực phẩm thiết yếu: Thịt gà, thịt lợn, rau, củ, quả…
Chia sẻ với phóng viên, anh Hoàng Ngọc Khôi, chủ nhà hàng trên đường Nguyên Hồng cho biết: “Từ khi giãn cách xã hội, nhà hàng không còn nguồn thu nào để sinh hoạt. Chúng tôi bắt buộc phải bán thực phẩm thiết yếu để đỡ chi phí tiền nhà. Còn một số nhân viên không thể về quê trong mùa dịch thì tôi vẫn phải hỗ trợ lo chỗ ăn, chỗ ở và thu nhập cho anh em”.
Cũng theo anh Khôi, từ khi dịch bệnh bùng phát, gánh nặng từ chi phí mặt bằng là rất lớn. Chủ nhà có hỗ trợ một chút nhưng cũng không đáng kể.
Người dân khi đến các địa điểm trên để mua hàng đều được yêu cầu phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 m và đeo khẩu trang để phòng chống dịch bệnh.
“Tôi luôn nhắc nhở khách tới mua hàng phải đảm bảo khoảng cách. Nếu không tuân thủ các biện pháp phòng dịch , chúng tôi sẽ từ chối phục vụ”, anh Khôi cho hay.
Theo Dân Trí