Tuần này, “Lời Cảnh Báo” tiếp tục cập nhật những vấn đề nóng hổi, được dư luận quan tâm gần đây, bao gồm: Thủ đoạn gọi điện yêu cầu ứng dụng lạ về cập nhật thông tin sổ hộ khẩu; ‘Mua trước – trả sau’ – Tiện lợi nhưng cũng không ít rủi ro.
Thủ đoạn gọi điện yêu cầu cài đặt ứng dụng lạ để cập nhật thông tin sổ hộ khẩu
Thời gian gần đây, nhiều người dân liên tục phản ánh về việc nhận được các cuộc gọi tự xưng là cán bộ công an, yêu cầu cập nhật thông tin cá nhân hoặc cài đặt ứng dụng lạ để có thể sử dụng sổ hộ khẩu điện tử. Qua đó, chúng tìm cách lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chị L.M.T (TP.HCM) đã nhận được một cuộc gọi từ một số máy lạ, tự xưng là cán bộ quản lý cư trú ở địa phương. Người gọi thông báo rằng dữ liệu sổ hộ khẩu của gia đình chị chưa được cập nhật lên hệ thống mới và yêu cầu chị cài đặt một ứng dụng hỗ trợ để xác minh thông tin. Chỉ vài giờ sau, toàn bộ dữ liệu cá nhân và tài khoản ngân hàng liên kết trên điện thoại của chị đã bị xâm nhập. Những giao dịch chuyển tiền lạ liên tục xuất hiện và chị đã mất hơn 50 triệu đồng.
Ông Võ Đỗ Thắng (Giám đốc trung tâm tư vấn và đào tạo an ninh mạng ATHENA) cho biết: “Các nhóm lừa đảo giả danh công an và gọi điện tới người dân. Chúng thường nhắm vào các đối tượng như người lớn tuổi, ít cập nhật thông tin công nghệ, từ 55 – 60 tuổi trở lên. Không phải chúng làm một cách ngẫu nhiên mà ở đây chúng nghiên cứu rất kỹ. Chúng biết được địa chỉ, tên, công an khu vực, khu phố. Sau đó, các đối tượng sẽ gửi một đường link mà những đường link này thường có mã độc. Sau khi đã có được thông tin, chúng sẽ dùng những thông tin đó để khống chế nạn nhân”.

Luật sư Đàm Văn Hùng (Công ty TNHH Luật Lập Phương) cho biết: “Đối với quy định pháp luật hiện hành, hành vi giả mạo cơ quan chức năng, cụ thể là công an hoặc quân đội, nhằm yêu cầu người dân cập nhật sổ hộ khẩu hoặc nhấp vào những phần mềm độc hại với mục đích chiếm đoạt tài sản thì đây được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Trong trường hợp này, đối tượng có thể đối diện với trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng trong một số trường hợp luật định thì bị phạt đến 3 năm tù. Trong trường hợp chiếm đoạt tài sản có giá trị hơn 500 triệu đồng thì chịu mức án cao nhất là 20 năm tù hoặc tù chung thân. Đối với Luật An ninh mạng, luật này nghiêm cấm các hành vi phát tán những thông tin độc hại hoặc những phần mềm độc hại để chiếm đoạt tài sản của công dân”.
Hoạt động của Cơ quan Hành chính thường sẽ có thư mời gửi về tận nhà và yêu cầu người dân phải đến trụ sở để giải quyết, không giải quyết thông qua gọi điện thoại hay nhắn các đường link. Người dân nên cảnh giác và không nên làm theo.
‘Mua trước – trả sau’ – Tiện lợi nhưng cũng không ít rủi ro
Thạc sĩ Mai Nguyễn Hoàng Nam (Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn NG Group) cho biết: “Mua trước – trả sau là hình thức mà chúng ta có thể mua trước sản phẩm, dịch vụ trước khi thanh toán các sản phẩm, dịch vụ đó. Chúng ta có thể trả một khoản rất nhỏ hoặc thậm chí là không cần trả tiền ngay các sản phẩm, dịch vụ đó mà sẽ trả vào các tháng tiếp theo. Điều này sẽ giúp cho giới trẻ, nhất là các bạn có chi tiêu chưa ổn định”.

Những lợi ích khi mua trước – trả sau đối với người tiêu dùng là việc mua trước trả sau sẽ giúp người tiêu dùng chia nhỏ các khoản thanh toán nếu có thu nhập chưa ổn định, tiếp cận được với rất nhiều loại hàng hóa, đặc biệt liên quan đến thời trang, công nghệ,… một cách dễ dàng hơn và sẽ giúp cho nền kinh tế phát triển. Về mặt tiêu cực của hình thức này, nếu quản lý tài chính không tốt hay chưa kiểm soát được tốt dòng tiền sẽ khiến cho người tiêu dùng rơi vào các bẫy tài chính, điểm tín dụng không tốt.
Em N.T.V (TP.HCM) chia sẻ: “Số tiền mà bố mẹ em cho không được nhiều nên em đã đăng ký các loại ví trả sau. Lúc đầu, em thấy rất tiện lợi vì em có tiền để dùng hàng ngày nhưng càng về sau khoản vay càng tăng lên, khiến em luôn phải đối mặt với số nợ không thể trả được, nên em luôn cảm thấy lo lắng và bất an”.

Ông Mai Thành Trung (Giám đốc Khối Nguồn Vốn, Công ty Cổ phần Chứng khoán APG) cho biết: “Với vấn đề mua trước – trả sau tiềm ẩn rất nhiều rủi ro đối với những bạn trẻ chưa đủ kiến thức về việc hoạch định tài chính cá nhân, quản lý tài chính cá nhân. Các bạn sẽ bị hiểu lầm về lãi suất và phí phạt của việc mua trước – trả sau. Việc các bạn mua một sản phẩm đồng nghĩa với việc bạn nhận một khoản vay từ bên thứ ba hoặc từ nhà cung cấp. Hiện tại, những khoản vay đó sẽ tự phát sinh lãi suất và phí phạt nếu chậm trả. Khi không kiểm soát được chi tiêu, các bạn vô tình tạo ra nợ chồng nợ, áp lực tâm lý về tài chính. Tần suất nợ nhiều dẫn đến việc các bạn chỉ dành thời gian để trả nợ”.
Người dùng nên lưu ý rằng phải lập được kế hoạch tiêu dùng cho bản thân, đọc kỹ những điều khoản của nhà cung cấp trước khi quyết định mua trước – trả sau. Nên có trách nhiệm với bản thân, khi thật sự có nhu cầu hay việc mua sắm các sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho đời sống hãy tham gia chứ không nên theo xu hướng.
Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm. Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự, xã hội… Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do đài truyền hình Vĩnh Long phối hợp Jet Studio thực hiện.