Nhiều bị can là cựu quan chức trong vụ ‘ chuyến bay giải cứu’ đã nộp lại ít nhất 3/4 số tiền bị cáo buộc nhận hối lộ.
Đây được xem là tình tiết giảm nhẹ khi tòa đưa vụ án ra xét xử.
Trong số 54 bị can vụ “ chuyến bay giải cứu”, 21 người là cựu lãnh đạo, cán bộ thuộc nhiều bộ, ngành được xác định nhận tiền hơn 500 lần, với tổng cộng gần 165 tỉ đồng, từ các doanh nghiệp khi thực hiện phê duyệt chuyến bay và chấp thuận chủ trương cách ly phòng dịch Covid-19. Họ cùng bị cáo buộc phạm tội nhận hối lộ, trong đó 18 người bị truy tố theo điểm a, khoản 4, điều 354 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017), khung hình phạt cao nhất đến t.ử h.ình.
Hành khách của một chuyến bay giải cứu trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19. Ảnh Đậu Tiến Đạt
Đồng loạt khắc phục tiền “bôi trơn”
Hành vi phạm tội của nhóm bị can nhận hối lộ trong vụ án gây phẫn nộ dư luận, bởi xảy ra thời gian dài, thủ đoạn ngang nhiên, bất chấp bối cảnh đại dịch Covid-19 cướp đi sinh mạng của nhiều người. Họ bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là “phạm tội 2 lần trở lên” và “lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh để phạm tội”.
Tuy nhiên, Viện KSND tối cao cũng ghi nhận một số tình tiết giảm nhẹ đáng chú ý đối với các cựu quan chức. Trong số này, bị can Nguyễn Quang Linh, cựu trợ lý Phó thủ tướng, 5 lần nhận hối lộ với tổng số tiền 4,26 tỉ đồng. Đến nay, bị can này cùng gia đình đã nộp 4,47 tỉ đồng để khắc phục hậu quả. Bị can Linh còn được ghi nhận thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với các cơ quan có trách nhiệm trong việc giải quyết vụ án.
Tương tự, bị can Trần Văn Tân, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, và Chử Xuân Dũng, cựu Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cùng gia đình lần lượt nộp 4 tỉ đồng (trên tổng số 5 tỉ đồng nhận hối lộ) và 1,75 tỉ đồng (trên tổng số 2,05 tỉ đồng nhận hối lộ). Bị can Vũ Hồng Nam, cựu Đại sứ VN tại Nhật Bản, cùng gia đình nộp 1,84 tỉ đồng (bằng số tiền nhận hối lộ). Cả 3 bị can này còn được ghi nhận đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác giải quyết vụ án, nhiều thành tích trong công tác, gia đình có công với cách mạng.
Việc có hàng loạt tình tiết giảm nhẹ như đã nêu sẽ tác động thế nào đến hình phạt đối với nhóm cựu quan chức nhận hối lộ, liệu có giúp những bị can này thoát án t.ử h.ình – khung hình phạt cao nhất của tội danh mà họ bị truy tố?
Tòa sẽ xem xét trên nhiều khía cạnh
Theo luật sư Hà Công Tâm (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), điều 5 Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao quy định rất rõ các nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ. Trong đó, trường hợp người phạm tội tham ô tài sản hoặc nhận hối lộ chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn, thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.
Như vậy, người phạm tội phải đồng thời có cả 2 điều kiện “cần” và “đủ” để không bị áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt bị truy tố.
Thứ nhất, “chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ”, tức là người phạm tội đã tự mình hoặc tác động để gia đình, người thân hoặc không phản đối việc gia đình nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ sau khi phạm tội.
Thứ hai, “hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm”, tức là người phạm tội chủ động cung cấp tài liệu, chứng cứ có ý nghĩa cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm liên quan đến tội phạm mà họ bị buộc tội; hoặc “lập công lớn”, tức là người phạm tội giúp cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, truy bắt, điều tra, xử lý tội phạm không liên quan đến tội phạm mà họ bị buộc tội; có phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị lớn được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận…
Đối chiếu với vụ “chuyến bay giải cứu”, các bị can Nguyễn Quang Linh, Trần Văn Tân, Chử Xuân Dũng… được ghi nhận đã nộp ít nhất 3/4 số tiền nhận hối lộ (cá biệt như bị can Linh nộp lại nhiều hơn số tiền nhận “bôi trơn”) và tích cực hợp tác với các cơ quan có trách nhiệm trong việc giải quyết vụ án. Đây sẽ là căn cứ để tòa án xem xét, cân nhắc mức án khi xét xử.
Pháp luật khuyến khích người phạm tội trả lại tài sản đã chiếm đoạt
Ngoài các trường hợp đã nêu, một số cựu quan chức nộp số tiền khắc phục rất khiêm tốn so với số tiền mà họ bị cáo buộc nhận hối lộ. Ví dụ, bị can Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cùng gia đình nộp 2 tỉ đồng (trên tổng số 21,5 tỉ đồng nhận hối lộ); bị can Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), cùng gia đình nộp 900 triệu đồng (trên tổng số hơn 25 tỉ đồng nhận hối lộ); hoặc như bị can Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, là người bị cáo buộc nhận hối lộ nhiều nhất với hơn 42,6 tỉ đồng nhưng cáo trạng không ghi nhận đã khắc phục tiền.
Dù vậy, nhóm này vẫn có một số tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có thành tích xuất sắc trong công tác… Bị can Tô Anh Dũng còn tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong giải quyết vụ án, gia đình có công với cách mạng.
Luật sư Hà Công Tâm cho hay, không chỉ giai đoạn điều tra, truy tố, quy định không áp dụng mức cao nhất trong khung hình phạt vẫn có thể thực hiện ngay cả khi ở giai đoạn xét xử, nếu người phạm tội có đủ các điều kiện theo quy định. Nghĩa là, sau khi viện kiểm sát truy tố hoặc trong quá trình mở phiên tòa xét xử, trường hợp các bị can nộp thêm tiền khắc phục hậu quả, vẫn sẽ được xem xét cho hưởng chính sách hình sự nêu trên.
Khoản c, điều 40 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định không thi hành án t.ử h.ình nếu người bị kết án t.ử h.ình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
“Như vậy, kể cả khi đã bị kết án t.ử h.ình, nếu người phạm tội nộp đủ mức tiền khắc phục hậu quả, đồng thời tích cực hợp tác hoặc lập công lớn, thì họ vẫn có cơ hội được thoát mức án này”, luật sư Tâm nói.
Thu hồi tối đa tài sản tham nhũng
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) đ.ánh giá, quy định về việc không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử vừa thể hiện chính sách hình sự nhân đạo của Nhà nước, vừa khuyến khích người phạm tội trả lại tài sản đã chiếm đoạt được bằng hình thức tham ô hoặc nhận hối lộ, từ đó hướng tới một trong những mục đích lớn nhất của công tác đấu tranh chống tham nhũng là thu hồi tài sản.
“Trong bối cảnh thu hồi tài sản tham nhũng còn khó khăn như hiện nay, đây là quy định rất cần thiết để tăng hiệu quả việc thu hồi tài sản, nhất là khi người phạm tội đã thực sự ăn năn và tự nguyện nộp lại phần lớn hoặc toàn bộ số tiền đã hưởng lợi bất chính”, ông Hòa nói.
Thực tế thời gian qua, chính sách hình sự này đã được áp dụng trong khá nhiều vụ án, thể hiện qua việc người phạm tội dù tham ô hoặc nhận hối lộ với số tiền rất lớn nhưng không bị áp dụng hình phạt t.ử h.ình. Điển hình là cựu Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son ở vụ án MobiFone – AVG (nhận hối lộ 66 tỉ đồng và gia đình ông Son đã thay bị cáo nộp lại toàn bộ số tiền chiếm hưởng 66 tỉ đồng).
Hay như tháng 11.2021, TAND TP.Hà Nội xét xử bị cáo Nguyễn Duy Linh, cựu Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo (Bộ Công an). Bị cáo Linh nhận hối lộ 5 tỉ đồng từ Phan Văn Anh Vũ, cựu Chủ tịch HĐQT Bắc Nam 79; bị truy tố theo khoản 4, điều 354 bộ luật Hình sự, khung hình phạt cao nhất đến t.ử h.ình. Ban đầu, bị cáo Linh không thừa nhận việc cầm tiền, nhưng sau đó thay đổi lời khai theo hướng nhận tội và cùng gia đình nộp lại 5 tỉ đồng. Bị cáo Linh bị tuyên 14 năm tù.
Theo Thanh Niên