Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch vừa công bố dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT với nhiều quy định mới, trong đó có mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu
Có đến 6/9 hội văn học – nghệ thuật chuyên ngành trung ương không đồng ý chủ trương mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đối với “người sáng tạo tác phẩm văn hóa – nghệ thuật”.
Từ chối mở rộng đối tượng
Theo Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), Luật Thi đua – Khen thưởng năm 2022 quy định ngoài những đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT theo quy định hiện hành, còn đối tượng cần được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT là “người sáng tạo tác phẩm văn hóa – nghệ thuật” trong 9 lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh, kiến trúc, múa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, văn học, văn nghệ dân gian.
Ngoài nghệ sĩ biểu diễn, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đề xuất nhạc sĩ sáng tác và nhạc sĩ phối khí cũng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT .Ảnh: ĐỖ TIẾN
Cuối tháng 3-2023, Bộ VH-TT-DL đã có Công văn số 1033 gửi 9 hội văn học – nghệ thuật chuyên ngành trung ương là Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đề nghị báo cáo và cung cấp một số nội dung liên quan đến đối tượng “người sáng tạo tác phẩm văn hóa – nghệ thuật” thuộc lĩnh vực chuyên ngành, trong đó đề xuất cụ thể về đối tượng, tiêu chuẩn và cách tính thời gian hoạt động trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật của từng đối tượng.
Đến ngày 10-4, Bộ VH-TT-DL đã nhận được công văn phản hồi của 9/9 hội. Có 6/9 hội gồm Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam không đề xuất danh hiệu NSND, NSƯT cho “người sáng tạo tác phẩm văn hóa – nghệ thuật”.
Theo quan điểm của Hội Nhà văn Việt Nam, để đánh giá một nhà văn phải thông qua giá trị tác phẩm – có tính lan tỏa rộng lớn và tác động mạnh mẽ tới nhân dân, xã hội. Khó có định lượng cụ thể nào cho một tác phẩm của nhà văn để mang ra xét Nhà văn Ưu tú hay Nhà văn Nhân dân. Nhà văn không phải nghệ sĩ. Đối với người lao động sáng tạo trong văn học, danh xưng “nhà văn” là cao quý, thiêng liêng.
Trong khi đó, ông Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cũng thẳng thắn cho rằng kiến trúc sư không phải là ngành biểu diễn nên việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT là không phù hợp.
Có 3 hội đề xuất bổ sung đối tượng. Cụ thể, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đề xuất tác giả kịch bản múa; Hội Nhạc sĩ Việt Nam đề xuất nhạc sĩ sáng tác và phối khí; Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đề xuất đối tượng nhận danh hiệu là nghệ sĩ sáng tác, nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh và giảng viên giảng dạy nhiếp ảnh.
Trước đề xuất này, Bộ VH-TT-DL cho rằng một số đối tượng chưa phù hợp với việc phong tặng danh hiệu, cụ thể là “tác giả kịch bản múa” và “nhạc sĩ phối khí” vì đây không phải là tác giả sáng tạo độc lập của tác phẩm văn hóa – nghệ thuật. Ngoài ra, “giảng viên giảng dạy nhiếp ảnh” đã thuộc đối tượng xét danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, còn “nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh” thuộc đối tượng xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học – nghệ thuật.
Bộ VH-TT-DL cũng cho rằng đề xuất cách tính thời gian hoạt động nghệ thuật chưa phù hợp, thiếu chặt chẽ. Ví dụ Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đề xuất cách tính thời gian tham gia nghệ thuật cho đối tượng “người sáng tạo tác phẩm văn hóa – nghệ thuật” giống như đối tượng hoạt động nghệ thuật biểu diễn; Hội Nhạc sĩ Việt Nam đề xuất theo thời gian công bố tác phẩm giống điều kiện để xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học – nghệ thuật… là không phù hợp.
Ngoài ra, các đề xuất cụ thể hóa tiêu chí “tác phẩm xuất sắc có giá trị cao về nội dung tư tưởng và nghệ thuật được công chúng yêu thích đón nhận” đều mang tính chung chung, chưa lượng hóa được tiêu chuẩn.
Trùng lặp về tiêu chí
Lãnh đạo Bộ VH-TT-DL đề xuất 2 giải pháp trong xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Một là, giữ nguyên như quy định hiện hành tại Nghị định số 89/2014/NĐ-CP. Hai là, giữ nguyên như quy định hiện hành và bổ sung đối tượng “người sáng tạo tác phẩm văn hóa – nghệ thuật” theo quy định tại điểm b khoản 1 điều 66 của Luật Thi đua – Khen thưởng năm 2022.
Đánh giá tác động về giải pháp thứ hai khi bổ sung đối tượng “người sáng tạo tác phẩm văn hóa – nghệ thuật”, Bộ VH-TT-DL cho rằng hiện đối tượng sáng tạo tác phẩm văn hóa – nghệ thuật đang hoạt động trong 9 lĩnh vực văn học – nghệ thuật. Việc xác định đối tượng cụ thể của từng lĩnh vực thuộc đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT gặp nhiều khó khăn vì thành tích để xét tặng danh hiệu nghệ sĩ của đối tượng này đang có sự trùng lặp với thành tích của tác giả có tác phẩm đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học – nghệ thuật. Bên cạnh đó còn những khó khăn về cách tính thời gian hoạt động của đối tượng “sáng tạo tác phẩm văn hóa – nghệ thuật”.
Điều 66 Luật Thi đua – Khen thưởng năm 2022 quy định chung cho xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT là “có tác phẩm xuất sắc có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật được công chúng yêu thích đón nhận”. Bên cạnh đó, Luật Thi đua – Khen thưởng năm 2022 cũng xác định một trong các tiêu chuẩn để tác phẩm được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học – nghệ thuật là “có giá trị cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật”.
Theo Bộ VH-TT-DL, những quy định này sẽ dẫn đến việc xác định, phân biệt giữa tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học – nghệ thuật cho tác phẩm và tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho đối tượng “sáng tạo tác phẩm văn hóa – nghệ thuật” bị trùng lặp, dẫn đến khó khăn trong xây dựng tiêu chuẩn cụ thể vì theo quy định của Luật Thi đua – Khen thưởng năm 2022, không khen thưởng nhiều lần, nhiều hình thức cho một thành tích đạt được.
Bộ VH-TT-DL cho biết sẽ tổ chức hội nghị đánh giá tác động về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho đối tượng mới – “người sáng tạo tác phẩm văn hóa – nghệ thuật”. Đồng thời, tổ chức hội thảo lấy ý kiến dự thảo nghị định và xin ý kiến các cơ quan, tổ chức liên quan. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Bộ VH-TT-DL sẽ đề xuất cách tính thời gian hoạt động văn hóa – nghệ thuật đối với đối tượng “nhạc sĩ sáng tác” và “Nhiếp ảnh gia” cho chính xác và phù hợp nếu đáp ứng đủ các điều kiện và tiêu chuẩn của danh hiệu.
Theo Người Lao Động