Nói về showbiz Việt hôm nay, có lẽ không có bất kỳ nghệ sĩ nào khác ngoài cái tên Trấn Thành là ‘dậy sóng’ nhất theo đúng nghĩa của từ này. Gần như có cảm giác, nhất cử nhất động của anh đều khiến dư luận bàn tán.
Trấn Thành
Trấn Thành là trường hợp hiếm hoi tạo cảm giác lượng người yêu thích và lượng người anti hình như cũng không xê dịch bao nhiêu. Dĩ nhiên, chúng ta không thể có công cụ nào để đo lường chính xác điều đó, nhưng quả thật cứ nhìn vào cách đám đông chia phe nói về Trấn Thành, chúng ta có thể nhận ra…
Nhiều người đang biết ơn Trấn Thành…
Trong vòng chưa đầy 2 năm, kể từ khi bộ phim Bố già ra mắt vào tháng 3/2021 cho đến Nhà bà Nữ trình chiếu tháng 1/2023, Trấn Thành đã mang lại một khoản doanh thu khổng lồ cho thị trường phim Việt với tổng cộng hơn 855 tỷ đồng. Đây cũng là hai bộ phim xếp lần lượt ở vị trí số 1 và số 2 trong bảng doanh thu phim cao nhất Việt Nam mọi thời đại, bao gồm cả phim nhập khẩu.
Để thấy con số đó có ý nghĩa như thế nào với thị trường, hãy nhìn vào báo cáo doanh thu trong năm 2020 của hệ thống rạp CGV Việt Nam khi họ báo lỗ đến 850 tỷ đồng do ảnh hưởng đại dịch. Có thời điểm, các nhà rạp CGV, Lotte Cinema, Galaxy và BHD phải viết đơn cầu cứu Chính phủ để hỗ trợ cụm rạp vì doanh thu trong những ngày phong tỏa vì Covid-19 là gần như bằng 0. Trong khi mỗi ngày chi phí duy trì hệ thống rạp là cực lớn… khiến cho nhiều hệ thống rạp đứng trước nguy cơ phá sản, điều chưa hề có tiền lệ trong lịch sử phát triển hệ thống rạp chiếu phim ở Việt Nam kể từ khi có các nhà đầu tư lớn của nước ngoài.
Chỉ với hai bộ phim Bố già và Nhà bà Nữ, Trấn Thành đã kéo khán giả trở lại rạp dù không ít người đã hình thành thói quen xem phim trực tuyến vì dịch bệnh. Trấn Thành giúp cho nhà rạp có thể nở nụ cười vì thấy từng hàng ghế lại có sức sống, có hơi ấm của khán giả. Từng nhân viên quét dọn rạp, soát vé, bán thức ăn… thấy công sức mình bỏ ra có ý nghĩa với từng trải nghiệm điện ảnh mà khán giả mong được đón nhận từ các bộ phim…
Nói cho đúng, Trấn Thành là cơn mưa rào giải nhiệt sau những ngày các hệ thống rạp Việt Nam đối diện với khô hạn triền miên.
Tuyệt vời hơn nữa là Trấn Thành mang đến động lực tạo doanh thu cho các bộ phim khác chiếu cùng thời điểm. Khoản tiền vé hơn 121 tỷ đồng của bộ phim Chị chị em em 2 ra mắt cùng thời điểm với Nhà bà Nữ, chính là nhờ một phần công sức mà Nhà bà Nữ tạo ra. Khán giả ùn ùn ra rạp để xem Nhà bà Nữ và dĩ nhiên Chị chị em em 2 cũng được dự phần. Câu nói “Té nước theo mưa” hoàn toàn đúng trong trường hợp này.
Đó là nhìn ở khía cạnh những con số rõ ràng, ở góc nhìn truyền cảm hứng, Trấn Thành đã tiếp thêm động lực cho các nhà làm phim khác, các nhà sản xuất dày dạn kinh nghiệm lẫn mới toanh… rằng sớm thôi, thị trường điện ảnh Việt Nam có thể tạo ra một phim có doanh thu 500 tỷ đồng. Rồi biết đâu trong 5-10 năm nữa sẽ là 1.000 tỷ đồng tiền vé cho một bộ phim nội địa. Từ đó, ngành điện ảnh ở Việt có thêm mục tiêu rõ ràng để phấn đấu, thấy được ánh sáng trên hành trình…
Có thể nói, với bức tranh toàn cảnh về thị trường phim Việt Nam trong 5 năm trở lại đây, Trấn Thành chính là nét vẽ lớn nhất, đẹp nhất và ấn tượng nhất. Và dù có thích hay không thích sự thật này, chúng ta vẫn phải ngả mũ kính phục Trấn Thành vì những kỳ tích ấy…
Và nhiều người “ghét chỉ vì thái độ”…
Một trong những lời phát biểu của Trấn Thành, khiến cho anh trở thành “cái gai” trong mắt nhiều người chính là khi dự buổi họp báo công bố dự án phim về Đàm Vĩnh Hưng vào đầu năm 2023: “Đời nghệ sĩ khó nuốt hơn quý vị nghĩ. Nếu ai cảm thấy thích tiền, thích hào quang hãy thử lên đây chạm vào nó. Hãy nếm 4 chữ ‘hào quang rực rỡ’ đi để biết nó là cái gì”.
Khán giả nhìn thấy Trấn Thành có nhà cao cửa rộng; có phim doanh thu đạt gần 500 tỷ; có tiền cát-xê làm MC, đi dự sự kiện, quảng cáo nhãn hàng… thuộc top đầu của Việt Nam. Nói đơn giản nhất, Trấn Thành có tiền và có cả hào quang nghề, thứ mà rất nhiều người có mong muốn hay nỗ lực tột cùng thì cũng gần như chẳng thể chạm đến. Vậy mà Trấn Thành bảo: “Khó nuốt hơn quý vị nghĩ…”.
Người thành công nói gì cũng đúng, ai đó đã bảo thế. Song khi Trấn Thành nói câu vừa trích dẫn ở trên, anh khiến cho khán giả cảm thấy họ như rơi xuống vực sâu không đáy. Người giỏi, giàu và nổi tiếng như Trấn Thành mà còn nói như vậy về “đời nghệ sĩ của anh” thì đời mình xem ra chỉ là hạt bụi bé tí dưới kính hiển vi…
“Có tài có tật”, câu nói này không sai. Song có những nghệ sĩ cái tật của họ được công chúng chấp nhận được, còn với Trấn Thành thì họ “hoàn toàn không ưa”. Lịch sử “scandal” của Trấn Thành còn có thể kể ra rất nhiều theo như thông tin trên báo chí hoặc mạng xã hội. Dù rằng sự thật mà chúng ta biết không chắc là 100%. Nhưng vì là người nổi tiếng, “quá hot” trong mắt đám đông, có những câu nói và hành động của Trấn Thành được diễn giải không đúng với thực tế, thậm chí có cả tin tức giả mạo… càng làm cho hình ảnh của Trấn Thành “xấu hơn nữa” trong mắt người không thích.
Trấn Thành, không biết từ lúc nào, đã trở thành “câu chuyện làm quà” ở bất cứ nơi nào có người hóng chuyện…
Giọt nước mắt của Trấn Thành, cũng chẳng biết từ khi nào, khiến cho khán giả cảm thấy nó không đến từ sự rung động, đồng cảm hay sự chia sẻ từ nội tâm của anh… mỗi lần anh hiện diện trên sân khấu, mà nó đến từ việc anh “mít ướt”. “Cứ hễ tí ra là khóc, bất kể mọi việc như thế nào!”, biệt danh “Thành cry” mà Trấn Thành bị một bộ phận khán giả gán ghép, lại tiếp tục là một chủ đề “ghét không hồi kết” của nhiều người.
Trấn Thành biết mình, biết người, nhưng…
Trấn Thành là người quá giỏi về khâu ăn nói, nhưng đúng là “nói nhiều, nói dai thành ra có lúc nói dại…”.
Trấn Thành không phải không hiểu hết những điều mình thốt ra, song đôi khi trong khoảnh khắc, anh quên mất đi tầm ảnh hưởng của một người như anh cũng như ý nghĩa của câu từ mà anh nhắm đến. Từ đó dẫn tới việc, có khi nói hớ, có khi không nói hết được điều mình muốn chia sẻ ở trong ngữ cảnh nào… hoặc cũng có khi, anh muốn người ta nhắc đến với một dụng ý nào đó…
Một người giỏi và thông minh như Trấn Thành ở cả khía cạnh nghệ sĩ lẫn khía cạnh kinh doanh, là xưa nay siêu hiếm ở Việt Nam. Trấn Thành cân được cả hai con đường ấy, thậm chí ở mỗi con đường đều tạo ra những cột mốc đáng nhớ.
Thế nên, người như Trấn Thành, muốn hiểu được là nhiệm vụ bất khả thi.
Tuy nhiên, Trấn Thành cũng không cần khán giả phải hiểu, đó là sự thật. Điều Trấn Thành ước muốn nhất, trong nghề, chính là những tác phẩm anh tạo ra có thể chạm đến khán giả ở mọi độ tuổi, vị trí, công việc, trải nghiệm… Họ chỉ cần hiểu tác phẩm của anh, không cần dành thời gian cho việc hiểu anh.
Có những giai thoại về cách mà Trấn Thành làm phim có thể khiến cho không ít khán giả và người trong nghề phải giật mình… lo sợ, vì “Trấn Thành quá nhanh và quá nguy hiểm”. Tối hôm trước ý tưởng mà Thành nói ra là A và quả quyết là như thế chỉ sau một đêm thức dậy anh lại chọn B và tiếp tục quả quyết B mới là đúng đắn. Song có thể đến buổi chiều, điều Trấn Thành lựa chọn lại là C. Trấn Thành là kiểu người mà ý tưởng xuất hiện liên tục như một dòng chảy không có điểm dừng. Với Trấn Thành điều đó có thể rất bình thường, vì nó thuộc về bản năng của anh. Nhưng với những người bên cạnh, đó là một việc cực kỳ khổ sở vì phải liên tục chạy theo những điều mới mẻ mà anh đưa ra.
Trấn Thành có những nguyên tắc về tập thoại trước khi ra hiện trường kỹ đến mức có thể làm diễn viên khó chịu, song đến khi nhìn vào bộ phim trình chiếu trên màn ảnh rộng, diễn viên sẽ hiểu vì sao phải cần làm như thế. Họ không còn là họ, họ là nhân vật. Thoại đi ra từ nhân vật, không đi ra từ diễn viên. Những điều này thoạt nghe đều là những gạch đầu dòng cơ bản trong diễn xuất, nhưng ở Việt Nam có rất ít diễn viên làm được. Và ở Việt Nam cũng ít có đạo diễn nào dám “mạnh tay” với diễn viên như Trấn Thành.
Bằng chứng là đoạn one-shot 4 phút mà Trấn Thành và Tuấn Trần cãi tay đôi nhau trong bữa cơm gia đình ở phim Bố già từng gây ấn tượng mạnh với khán giả, đã lấy đi rất nhiều thời gian, không thể tính bằng vài ngày mà rất nhiều ngày, trong giai đoạn tiền kỳ bộ phim.
Trấn Thành có thành tựu trong nghề nhưng cũng có không ít sóng gió với khán giả. Nếu để ý, thời gian gần đây, Trấn Thành, “có lẽ đã nếm đủ đau thương” nên biết tiết chế dần những thứ có thể làm xấu đi hình ảnh của anh thêm nữa.
Song, cuộc đời khó nói trước, như Thành từng thừa nhận: “Tôi là một người không quá giỏi trong việc kiểm soát cảm xúc của mình…”. Con người một khi để dẫn dắt bởi cảm xúc, sẽ có lúc làm chúng ta thăng hoa, nhưng cũng có lúc làm chúng ta đánh mất chính mình trong mắt người khác…
Trấn Thành vẫn đang đi giữa lằn ranh của bóng tối và ánh sáng. Trấn Thành biết điều đó, chắc chắn thế. Tuy nhiên, cảm giác đi trên sợi dây thăng bằng là một thứ cảm giác vừa hồi hộp, âu lo nhưng cũng vừa phấn khích, hào hứng trên từng bước chân tiến về phía trước.
Trấn Thành có thể còn một khoảng cách rất xa để trở thành một nghệ sĩ lớn, song cũng có thể đã ở rất gần, nếu anh biết cách trưởng thành hơn trong cảm xúc, ngay từ ngày mai…
Không phải ngẫu nhiên mà hơn 200 năm trước, Đại thi hào Nguyễn Du đã viết: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài!”.
Theo Vietnamnet