Việc lan truyền rộng rãi sản phẩm văn hóa, nghệ thuật chứa bản đồ hình “đường lưỡi bò” phi pháp thể hiện sự thiếu tôn trọng chủ quyền quốc gia của Việt Nam, tinh thần yêu nước và giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
“Biến điều phi pháp, vô lý thành quen thuộc”
Thời gian gần đây, một số bộ phim nước ngoài được phổ biến tại Việt Nam có hình ảnh bản đồ “đường lưỡi bò” (là đường chín đoạn do Trung Quốc vạch ra, đòi chủ quyền phi pháp với gần như toàn bộ diện tích Biển ông), gây bất bình trong dư luận.
Ngày 8/7, khán giả Việt Nam phát hiện phim truyền hình “ Hướng gió mà đi” ( Flight To You) có “đường lưỡi bò” phi pháp được trình chiếu trên nền tảng trực tuyến Netflix và FPT Play. Ngày 9 và 10/7, bộ phim được gỡ bỏ trên các nền tàng này sau khi có công văn yêu cầu của Cục Điện ảnh Việt Nam.
Hình ảnh “đường lưỡi bò” trong “Hướng gió mà đi” và “ Barbie”
Trước đó vài ngày, bộ phim Mỹ “Barbie” bị Cục Điện ảnh từ chối cấp phép phổ biến vì có hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp lặp lại nhiều lần. Trong năm 2020 và 2021, Netflix đã 3 lần cung cấp phim có nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, đó là series 6 tập phim “Gián điệp” (Pine Gap) do Mỹ và Australia hợp tác sản xuất, phim “Gửi thời thanh xuất ấm áp” của Trung Quốc và “Bà Ngoại trưởng” do Mỹ sản xuất. Tháng 10 năm ngoái, bộ phim “Ba chị em” của Hàn Quốc trên Netflix đã xuyên tạc lịch sử Việt Nam. Tất cả các phim này sau đó bị gỡ khỏi Netflix. Trong năm 2022, nhiều người chỉ trích, đòi tẩy chay phim “Băng vũ hỏa” của Trung Quốc vì có bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp chiếu trên nền tảng VieOn của Việt Nam. Những hình ảnh này đã bị làm mờ. Hội đồng duyệt phim cũng từng nhiều lần tuýt còi bộ phim cài cắm hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp như “ Thợ săn cổ vật” (Uncharted) có Tom Holland thủ vai hay “Everest: Người tuyết bé nhỏ” từng khiến nhà phát hành Việt Nam nhận mức phạt 170 triệu đồng, buộc rút khỏi rạp chiếu sau hơn 1 tuần ra rạp.
Việt Nam cấm chiếu “Thợ săn cổ vật” (Uncharted)
“Everest: Người tuyết bé nhỏ” từng khiến nhà phát hành Việt Nam nhận mức phạt 170 triệu đồng, buộc rút khỏi rạp chiếu sau hơn 1 tuần ra rạp
Nhà báo Việt Văn, thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia cho rằng: “Hành động cài cắm hình ảnh “đường lưỡi bò” được lặp đi lặp lại ở rất nhiều bộ phim rõ ràng là ý đồ rất bài bản của Trung Quốc để biến điều phi pháp, vô lý thành quen thuộc. Rất nhiều phim không chỉ Trung Quốc mà hợp tác với Trung Quốc hoặc Trung Quốc làm hậu kỳ cũng có cài cắm hình ảnh “đường lưỡi bò”. Thị trường Trung Quốc là thị trường rất đông dân. Phim Hollywood rất muốn phát hành ở Trung Quốc. Vì thế đôi khi họ chấp nhận đưa hình ảnh cài cắm vào. Sự cài cắm rất tinh vi, thậm chí phải dừng hình xem đi xem lại mới phát hiện ra. Hình ảnh “đường lưỡi bò” có khi hiện rõ trên bản đồ, nhưng cũng có khi thể hiện bằng bức tranh nguệch ngoạc do trẻ con vẽ”.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn – ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, đây không phải là lần đầu tiên chúng ta chứng kiến các bộ phim có bản đồ hình “đường lưỡi bò”, và cũng không chỉ ở phạm vi Việt Nam, mà còn ở nhiều nơi trên thế giới. Dư luận cũng tương tự như vậy, không chỉ ở nước ta mà nhiều nước có liên quan đều phản đối vấn đề này. Điều đó cho thấy an ninh văn hóa có ý nghĩa như thế nào đối với an ninh quốc gia, đồng thời thể hiện mối quan hệ giữa chính trị và văn hóa, nghệ thuật. Xu hướng thể hiện bản đồ “đường lưỡi bò” trên các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật thực sự rất nguy hiểm nêu không bị ngăn chặn, dỡ bỏ ngay từ đầu sẽ tạo ra những tiền lệ về sau, trở thành một bằng chứng xuyên tạc chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
“Việc lan truyền rộng rãi sản phẩm văn hóa, nghệ thuật chứa bản đồ hình “đường lưỡi bò” phi pháp vào Việt Nam có thể gây ra những hậu quả tiêu cực về uy tín chính trị của quốc gia, các tổ chức đứng sau sản phẩm này, thể hiện sự thiếu tôn trọng chủ quyền quốc gia của Việt Nam, tinh thần yêu nước và giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.
Cần sự chung tay của khán giả để đẩy lùi vi phạm
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, việc các sản phẩm văn hóa chứa nội dung vi phạm vào Việt Nam có thể bắt nguồn từ sự quản lý chưa chặt chẽ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng quản lý và kiểm soát nội dung văn hóa là một vấn đề phức tạp và có thể gặp nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Các cơ quan quản lý đặt trách nhiệm chính trong việc duyệt và kiểm duyệt các sản phẩm văn hóa ở Bộ VHTT&DL và Bộ TTTT, có trách nhiệm đảm bảo rằng các nội dung được phát sóng hoặc trình chiếu là phù hợp với quy định và pháp luật.
“Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hiểu và thông cảm với các cơ quan chức năng rằng, cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và internet, việc kiểm soát nội dung trở nên khó khăn hơn không chỉ ở Việt Nam mà với tất cả các nước. Có rất nhiều nguồn cung cấp nội dung từ nước ngoài và không phải tất cả đều được kiểm duyệt trước khi được phát hành. Chúng ta cần nhiều nỗ lực hơn nữa từ cả các cơ quan quản lý và toàn xã hội, nhất là cộng đồng mạng, để tình trạng này sớm chấm dứt”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, Cục Điện ảnh đã thành lập tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng. Hàng ngày, tổ công tác chia hai ca sáng – chiều để kiểm tra. Hiện nay, chúng tôi mới thực hiện theo xác suất, bởi số lượng phim phát hành trên không gian mạng quá lớn. Cho nên có thể còn phim vi phạm trôi nổi trên không gian mạng. Đây cũng là vấn đề khó khăn, thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước.
“Cơ quan quản lý nhà nước không thể chỉ trông chờ vào tổ công tác để phát hiện vi phạm, chắc chắn phải nhờ đến khán giả, truyền thông báo chí hỗ trợ. Chúng tôi đang xây dựng quy chế thưởng cho khán giả phát hiện nội dung sai phạm của phim chiếu trên không gian mạng. Cục Điện ảnh dự kiến cung cấp đầu mối thông tin để tiếp nhận thường xuyên phản hồi của khán giả. Đối với mỗi tin phát hiện nhanh, chính xác vi phạm, Cục Điện ảnh đề xuất thưởng bằng kinh phí, trao giấy chứng nhận. Tất nhiên kinh phí thưởng này không quá lớn. Cục Điện ảnh xin ý kiến lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trích nguồn kinh phí hoạt động, ngoài ra sẽ huy động nguồn xã hội hóa, ông Thành nói.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn – ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Để có sự kiểm soát tốt hơn về sản phẩm văn hóa chứa bản đồ đường lưỡi bò phi pháp, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, chúng ta cần thực hiện một số giải pháp sau: Thứ nhất là triển khai thực hiện nghiêm Luật Điện ảnh (sửa đổi), ở đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường thực thi các quy định pháp luật liên quan đến nội dung văn hóa và truyền thông, đặc biệt là hậu kiểm với phim chiếu trên không gian mạng.
Thứ hai, các cơ quan quản lý Nhà nước, như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan văn hóa và truyền thông ở các địa phương, cần nắm vững vai trò và trách nhiệm của mình trong việc quản lý và kiểm soát nội dung văn hóa có liên quan đến chính trị nói chung và chủ quyền quốc gia nói riêng. Cần tập trung và tăng cường nguồn lực để thực hiện công tác này một cách hiệu quả.
Thứ ba, là tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quản lý và kiểm soát. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần cùng nhau làm việc để tạo ra một hệ thống kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả. Thông qua việc chia sẻ thông tin, tăng cường sự tương tác và hợp tác, các cơ quan có thể cùng nhau phát hiện và ngăn chặn sự lan truyền của các sản phẩm văn hóa vi phạm.
Thứ tư là tạo ra môi trường tác động tích cực từ phía công chúng bằng cách mỗi cá nhân trong xã hội cần nhận thức được vai trò quan trọng của mình trong việc giữ gìn và bảo vệ chủ quyền văn hóa, lãnh thổ của đất nước từ sớm, từ xa. Cần tăng cường việc tạo ra một môi trường tác động tích cực từ cộng đồng.
Thứ năm là tăng cường nhận thức và giáo dục cho công chúng: Để ngăn chặn sự lan truyền của các sản phẩm văn hóa vi phạm, cần tăng cường công tác giáo dục và nâng cao nhận thức cho công chúng về tác động của những sản phẩm văn hóa. Một công chúng có nhận thức cao sẽ đưa ra những quyết định thông minh và có ý thức khi tiếp xúc với sản phẩm văn hóa không phù hợp.
Còn theo ông Vi Kiến Thành, Việt Nam cần phát huy sự ủng hộ của quốc tế, tranh thủ bất cứ sự kiện quốc tế lớn nhỏ nào để tuyên truyền thông tin chính xác về chủ quyền, thông qua các ấn phẩm, pano, áp phích. Đã đến lúc chúng ta phản bác những thông tin sai lệch một cách mạnh mẽ bằng hình ảnh, thị giác trực quan thay vì chỉ bằng thái độ, lời nói.
Theo VOV