Nếu bạn chỉ có một ngày để tìm hiểu ẩm thực TPHCM, hãy dành trọn thời gian đó để thưởng thức 5 món ăn không nên bỏ lỡ ở nơi đây.
TPHCM sôi động bậc nhất cả nước, là nơi giao thoa văn hóa các vùng miền và sở hữu nền ẩm thực phong phú từ Bắc chí Nam. Mọi người từ nhiều tỉnh thành tìm đến đây làm việc, mang theo bí quyết và công thức nấu ăn của nhiều vùng miền, khiến nơi đây trở thành một “thiên đường” ẩm thực hấp dẫn.
Cơm tấm – Bữa ăn sáng đậm chất Sài Gòn
Nếu bạn hỏi bất kì người dân nào ở đây về món ăn sáng họ yêu thích, câu trả lời có lẽ là cơm tấm. Đây là một trong số ít món ăn có nguồn gốc từ TPHCM.
Món cơm tấm được nhiều người Sài Gòn ưa chuộng.
Cơm tấm có đủ các thành phần cần thiết để giúp bạn khởi đầu ngày mới đầy năng lượng. Sườn heo nướng mật ong thơm phức, trứng ốp la béo ngậy, mỡ hành và đồ ngâm chua ăn kèm với một phần cơm tấm nóng hổi đủ sức chinh phục những thực khách khó tính nhất. Bạn có thể thưởng thức cơm tấm vào bất kì bữa ăn nào trong ngày.
Thành phố có rất nhiều thương hiệu cơm tấm nổi tiếng, nhưng bạn không nhất thiết phải đến tận những nơi đó để biết thế nào là một đĩa cơm tấm ngon chuẩn vị Sài Gòn. Hãy thoải mái thưởng thức món ăn này ở bất kì hàng quán nào gần bạn nhất. Chan một ít nước mắm pha chua ngọt, thêm chút ớt cay và bạn sẽ bất ngờ vì độ ngon của món ăn này.
Cơm tấm Ba Há: 389 Hưng Phú, phường 9, quận 8
Cơm tấm Ba Ghiền: 84 Đặng Văn Ngữ, phường 10, quận Phú Nhuận
Cà phê Đỗ Phủ & Cơm tấm Đại Hàn: 113A Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1
Bánh mì kẹp thịt mang vị riêng có của thành phố
Ở TPHCM, một ổ bánh mì kẹp thịt “kinh điển” thường đi kèm với thịt heo, patê, bơ, chả lụa, cải chua, rau mùi và ớt cay. Một số chủ quán còn tự làm thêm món xốt đặc biệt, giúp tăng thêm hương vị cho ổ bánh mì khi kết hợp mọi thứ lại với nhau.
Bánh mì kẹp thịt là món ăn được nhiều du khách nước ngoài yêu thích.
Thành phố có nhiều thương hiệu bánh mì nổi tiếng như Hòa Mã, Huynh Hoa, Bảy Hổ… là lựa chọn ưa thích của nhiều người dân thành phố. Với những lớp nhân phong phú và hương vị hấp dẫn, mỗi tiệm bánh mì luôn được thực khách Sài Gòn “săn đón”, xếp hàng chờ mua vào bất kể thời điểm nào trong ngày. Bên trong mỗi ổ bánh mì bán ra đều chứa đựng đầy đủ các hương vị và từng lớp nhân hòa quyện vào nhau khiến ai nấy đều khó cưỡng lại.
Bánh mì Hòa Mã: 53 Cao Thắng, phường 3, quận 3
Bánh mì Huynh Hoa: 26 Lê Thị Riêng, phường Bến Thành, quận 1
Bánh mì Bảy Hổ: 19 Huỳnh Khương Ninh, phường Đa Kao, quận 1
Hủ tiếu với đa dạng phiên bản
Giao thoa văn hóa nhiều vùng miền đã tạo nên nhiều phiên bản khác nhau của món hủ tiếu trong bối cảnh ẩm thực tại TPHCM. Món ăn gồm nhiều phiên bản khác nhau như hủ tiếu Nam Vang có xuất xứ từ Campuchia; hủ tiếu Hồ, hủ tiếu cá của người Hoa Chợ Lớn; hay hủ tiếu Sa Đéc, hủ tiếu Mỹ Tho của miền Tây Nam Bộ. Nhưng khi du nhập vào TPHCM, các phiên bản hủ tiếu đều ít nhiều có sự điều chỉnh trong cách nấu để phù hợp với khẩu vị của người dân thành phố.
Bạn có thể dễ dàng tìm thấy một tiệm bán hủ tiếu Nam Vang tại TPHCM bất cứ thời điểm nào trong ngày.
Bạn có thể dễ dàng tìm thấy một tô hủ tiếu Nam Vang với sợi hủ tiếu mỏng ngập trong nước lèo sôi nóng, bên trên là tôm, thịt heo, trứng cút và tỏi phi. Khi cắn vào sợi hủ tiếu, bạn sẽ nhận ra sự khác biệt về độ dai của chúng. Một đĩa giá và xà lách ăn kèm sẽ tạo thêm cảm giác ngon miệng cho món ăn.
Hủ tiếu Nam Vang Hồng Phát: 389 – 391 Võ Văn Tần, phường 5, quận 3
Hủ tiếu cá Nam Lợi: 43 Tôn Thất Đạm, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1
Hủ tiếu Phú Mập: 28 Phú Thọ, phường 2, quận 11
Gỏi cuốn
Đối với những người lớn lên tại TPHCM, gỏi cuốn là món ăn gắn liền với tuổi thơ. Gỏi cuốn thường thấy ở nhiều hàng quán vỉa hè như một món ăn vặt sau giờ học. Bạn có thể dễ dàng thưởng thức món gỏi cuốn này tại các quán ăn bình dân hay sang trọng quanh thành phố.
Gỏi cuốn chinh phục thực khách nhờ vào sự tươi ngon của các nguyên liệu trong cuốn gỏi.
Bí quyết chinh phục thực khách của gỏi cuốn chính là sự tươi ngon của các thành phần nguyên liệu bên trong cuốn gỏi, gồm rau diếp xanh và rau thơm ôm lấy sợi bún, thịt heo hấp và một con tôm đất mọng nước, tất cả được bao bọc trong lớp bánh tráng mỏng. Cách làm món ăn đơn giản giúp nổi bật hương vị thuần khiết của từng nguyên liệu.
Tuy nhiên, sự khác biệt giữa món gỏi cuốn “ngon tuyệt vời” với món gỏi cuốn “bình thường” nằm ở phần xốt chấm ăn kèm. Ở TPHCM, khi ăn gỏi cuốn thường kèm với chén mắm nêm hoặc tương đen, thêm chút đồ ngâm chua và đậu phộng giã nhuyễn.
Sau nhiều giờ lang thang khám phá thành phố, một vài cuốn gỏi và trà đá là lựa chọn hoàn hảo để bạn lấy lại sức.
Hệ thống nhà hàng Wrap&Roll (nhiều chi nhánh trên địa bàn TPHCM)
Gỏi cuốn Trần Huy Liệu: 103 Trần Huy Liệu, phường 12, quận Phú Nhuận
Ốc và hải sản
Quận 4 nổi tiếng với nhiều quán ốc và hải sản nướng ven đường. Tại phố ẩm thực Vĩnh Khánh, dù ngày thường hay cuối tuần, cứ khoảng 6 giờ chiều, nơi đây thường nhộn nhịp với các quán ốc bày bán đủ thứ hải sản ngon.
Nhiều người Sài Gòn có thói quen đi ăn ốc vào cuối tuần hoặc sau giờ làm việc.
Riêng đối với những “tín đồ” sành ăn, các nhà hàng dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè sẽ là một điểm hẹn không thể bỏ lỡ với nhiều món ngon mang đặc trưng vùng miền như canh riêu cá chép của Bắc Bộ hay ốc vú nàng của Côn Đảo…
Nhìn chung, các quán ốc ở TPHCM đều có cách chế biến đa dạng, từ xào bơ tỏi, nướng muối ớt, đến hầm trong nước cốt dừa, mỗi một phương pháp lại tạo nên hương vị hoàn hảo riêng cho từng loại ốc. Ốc nước ngọt, sò và nghêu là một vài ví dụ điển hình được nhiều thực khách ưa chuộng.
Ốc Đào: 320 Trường Sa, phường 2, quận Phú Nhuận
Riêu Cá 3A: 01 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1
Ốc Tô – Xóm Chiếu: 224B Xóm Chiếu, phường 15, quận 4
Theo Tạp Chí Du Lịch