Mở bán từ 6 giờ sáng, PV Thanh Niên tìm đến quán há cảo Sài Gòn của chị Phân lúc 8 giờ 30 phút thì “không còn gì để ăn”. Nhiều khách tìm đến cũng “thất thỉu” ra về, tự nhủ lần sau tới sớm hơn. Ít ai biết, tiệm ăn này từng lay lắt khách…
Từng vắng khách, nay quán há cảo của bà Phân được nhiều người đến ủng hộ CAO AN BIÊN
Là người Hoa chính gốc, gia đình của chị Thái Quý Phân (38 tuổi, ngụ Q.11) có 3 đời bán các món dimsum, há cảo gia truyền. Hơn 30 năm qua, hương vị của món ăn vẫn không hề thay đổi, chỉ có lượng khách tìm đến quán ngày càng đông đúc.
Nàng dâu “kế thừa” quán há cảo nhà chồng
Gia đình bà Phân bắt đầu bán há cảo từ năm 1986. “Ngày đó gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, ba mẹ không biết làm gì nên làm món há cảo truyền thống để sống qua ngày. Đến năm 1996, vợ chồng tôi tự mở tiệm ăn tại Xóm Đất này, chế biến theo cách truyền thống mà ông bà đã làm để bán”, bà Khanh Tâm Múi (68 tuổi, mẹ chồng chị Phân) nhớ lại.
Tuy nhiên, vì quán mới mở và ít người qua lại nên suốt nhiều năm liền, quán vắng khách. Bà Múi tâm sự: “Có những hôm khách thưa lắm, tôi bán trầy trật mãi đến tận 12 giờ trưa thì mới hết. Tuy nhiên, vì cuộc sống nên vợ chồng tôi vẫn duy trì quán ăn này như một truyền thống của gia đình cũng như có đồng ra đồng vô qua ngày”.
Thực đơn đa dạng là bí quyết “hút” khách của quán ẢNH: CAO AN BIÊN
Năm 2017, bố chồng chị Phân mất đột ngột, sức khỏe bà Múi cũng yếu nên vợ chồng chị về tiếp quản quán ăn của gia đình. Từ ngày về làm dâu, chị đã phụ giúp tại quán hơn 10 năm nên cũng biết cách làm những món há cảo đúng hương vị truyền thống của người Hoa. “Cha mẹ chồng hàng chục năm nay vẫn cố gắng duy trì quán ăn này, để đến một ngày nào đó cho chúng tôi tiếp quản. Nhưng tôi cũng không ngờ ông mất đột ngột quá. Chồng tôi khi đó đang làm việc tại một nhà hàng cũng xin nghỉ, để về tiếp quản quán ăn này cũng như có nhiều thời gian để chăm lo cho mẹ nhiều hơn”, chị Phân xúc động khi nhắc đến bố mẹ chồng.
Điều đặc biệt là quán ăn này không có tên tuổi, biển hiệu suốt 3 đời nay. Do vậy, người ta hay gọi tên của tiệm ăn theo địa chỉ của nó. “Từ thời ông bà đã không đặt tên quán, nên chúng tôi cũng xem đó là một truyền thống luôn, cũng không đặt tên. Giờ chỉ cần nói quán dimsum 108B, Xóm Đất là người ta đều biết. Tôi cũng thấy vui khi dù không có tên tuổi nhưng vẫn được mọi người vẫn tìm đến ăn, vẫn yêu quý và ủng hộ”, anh Tô Cẩm Huy (43 tuổi, chồng chị Phân) cười nói.
Bà Khanh Tâm Múi mở quán há cảo này năm 1996, duy trì truyền thống gia đình ẢNH: CAO AN BIÊN
Hiện tại, quán ăn chính là thu nhập chính của toàn bộ gia đình chị Phân. Quán không thuê nhân viên mà chủ yếu do tất cả các thành viên trong nhà cùng làm. Chị Phân tự hào: “Vợ chồng tôi, 2 người chị dâu và mẹ cùng nhau bán quán. Dù việc buôn bán rất cực nhọc, nhưng chúng tôi chia nhau ra làm nên cũng đỡ phần nào. Quán ăn này đã giúp ông bà nuôi sống bố mẹ, bố mẹ nuôi sống chúng tôi và giờ tôi nuôi được các con”.
Với chị Phân và các thành viên trong gia đình, việc duy trì và quảng bá món ăn truyền thống của gia đình có ý nghĩa quan trọng hơn việc họ kiếm được bao nhiêu tiền. “Tôi chỉ mong mình có đủ tiền để sống qua ngày, để chăm sóc mẹ là hạnh phúc rồi. Điều quan trọng nhất với một người con dâu như tôi khi được kế thừa tiệm ăn của gia đình chính là duy trì và phát triển nó. Đây không chỉ là cuộc sống của tôi, mà là cuộc đời ông bà, cha mẹ chồng của tôi nữa”, chị bộc bạch.
Chị Thái Quý Phân kế thừa quán há cảo nhà chồng ẢNH: CAO AN BIÊN
Bỗng dưng… “nổi tiếng”
Là một quán ăn từng thưa khách vì vị trí của quán nằm ở nơi ít người qua lại, cũng như mặt bằng của quán nhỏ và không có biển hiệu. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây khách tìm đến quán ngày càng nhiều. “Có khách ăn thấy ngon, nên giới thiệu lên mạng xã hội. Từ đó nhiều người biết đến và tìm đến quán để thưởng thức. Có hôm tôi bán chỉ hơn 2 tiếng đồng hồ đã hết sạch khiến gia đình tôi ai cũng bất ngờ”, chị cười nói.
Lần đầu tiên đến ăn tại quán, anh Trần Duy Phong (22 tuổi, Q.Bình Thạnh) cùng với nhóm bạn của mình đã kêu đầy đủ thực đơn. “Mình đi đông để có thể thưởng thức hết các món ăn ở đây. Với lại ở đây giá cũng rẻ vì mỗi món đồng giá 17.000 đồng, riêng món hoành thánh chiên là 25.000 đồng nên rất vừa túi tiền của những sinh viên như chúng tôi”, Phong nói.
Chị Liên Doãn (53 tuổi) cùng con gái từ Phú Nhuận “lặn lội” đến quán để thưởng thức ẢNH: CAO AN BIÊN
Vậy là “tiếng lành đồn xa”, tiệm ăn cũng được “đổi đời” khi vô tình nổi tiếng trên một số trang ẩm thực trên mạng. Đó cũng là lý do mà chị Phân bán suốt tuần vì sợ nghỉ một ngày là “khách buồn”. Theo chị, sự đa dạng trong món ăn để thực khách có thể lựa chọn là một trong những bí quyết “hút” khách của quán. Những ngày bình thường, quán bán 11 món, trong đó có 8 món hấp, 1 món chiên và 3 món bánh bao. 2 ngày cuối tuần, thực đơn có bổ sung thêm 1 món hấp, tổng là 12 món. “Kỷ lục có nhóm khách 4 người đến gọi 9 món của quán, mà xoay 4 vòng như vậy là 36 phần”, chị Phân kể.
Chị cho biết thêm: “Món ăn đắt khách nhất ở đây là món há cảo tôm. Tôi cũng không biết tại sao người ta lại gọi món ăn này nhiều như vậy. Món khó làm nhất cũng là món ăn này vì nó đòi hỏi sự tỉ mỉ đến từng chi tiết ở khâu gói bánh, sai sót một tí là hỏng”. Trong thời gian tới, chị dự định sẽ làm thêm nhiều bánh hơn để phục vụ cho nhu cầu của thực khách ngày càng tăng cao.
Món hoành thánh chiên được ông Châu thích nhất trong các món ăn của quán ẢNH: CAO AN BIÊN
“Tôi ăn ở tiệm này cũng gần 1 năm rồi. Do nhà gần đây nên hầu như ngày tôi cũng tới đây để ăn. Vài tháng trước, tôi bị bệnh về dạ dày nên không đi ăn nữa, nay đỡ đỡ mới trở lại ăn”, ông Trần Hưng Châu (83 tuổi, Q.11) cười nói.
Mỗi ngày, chị Phân bán từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa, nếu hết sớm sẽ nghỉ sớm. Sau đó, chị và các thành viên trong gia đình lại tiếp tục đi chợ để mua thực phẩm về sơ chế. 4 giờ sáng, chị thức dậy để hấp các món há cảo để kịp bán cho buổi sáng.
Ông Trần Hưng Châu (83 tuổi, Q.11) đến ăn mỗi ngày và thường mua mang về cho người thân ẢNH: CAO AN BIÊN
Quán ăn do các thành viên trong gia đình phụ giúp nhau để bán, không thuê nhân viên ẢNH: CAO AN BIÊN
“Nghề này cực thì có cực nhưng chúng tôi thấy hạnh phúc. Hạnh phúc vì được gắn bó với mẹ, với chồng, với các chị em trong nhà và được phục vụ những món ăn cho các thực khách yêu thương và ủng hộ quán”, chị Phân cười.
Đến đây, người ta không chỉ được thưởng thức đặc trưng trong ẩm thực của người Hoa, mà còn cảm nhận được giá trị của tình cảm gia đình ở tiệm ăn nhỏ này…
Theo Thanh Niên